ĐH Y Dược TP.HCM hoàn thành kiểm định chất lượng đào tạo Y-Dược chuẩn AUN-QA

GD&TĐ - Trường ĐH Y Dược TP.HCM vừa hoàn thành kiểm định chất lượng đào tạo Y-Dược chuẩn AUN-QA. Đây là CTĐT Dược sĩ ĐH đầu tiên tại Việt Nam được kiểm định theo bộ tiêu này.

Đợt đánh giá chương trình đào tạo lần thứ 214 của AUN-QA tại Đại học Y Dược TP.HCM
Đợt đánh giá chương trình đào tạo lần thứ 214 của AUN-QA tại Đại học Y Dược TP.HCM

Các chương trình đều được đánh giá cao với 10/11 tiêu chuẩn đạt mức điểm 5 và 6 trên thang điểm 7 của AUN-QA, tương ứng chất lượng CTĐT tốt hơn mức tiêu chuẩn.

Trước đó, từ ngày 24 đến 28/5, đợt đánh giá chất lượng chương trình đào tạo (CTĐT) lần thứ 214 của AUN-QA đã diễn ra theo hình thức trực tuyến, với chương trình Y khoa và Dược học là 2 CTĐT quan trọng trong 14 CTĐT hệ ĐH tại ĐH Y Dược TP.HCM.

Tham dự đợt đánh giá lần này có các Kiểm định viên là các chuyên gia quốc tế uy tín, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực GDĐH và kiểm định, đặc biệt còn có sự hiện diện của Tiến sĩ Choltis Dhirathiti, Giám đốc chuyên môn của AUN.

Quy trình đánh giá được thực hiện theo Bộ tiêu chuẩn AUN-QA bao gồm 11 tiêu chuẩn được xây dựng một cách khoa học, dựa trên nguyên tắc quản lý chất lượng tổng thể, có đối sánh với các khung chất lượng có uy tín trên thế giới, được áp dụng để đánh giá và cải tiến chất lượng GDĐH trong hệ thống các trường ĐH khối ASEAN.

GS.TS. Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu khai mạc
GS.TS. Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu khai mạc

CTĐT Bác sĩ Y khoa đổi mới là CTĐT Y khoa đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng theo chuẩn năng lực, và triển khai thành công từ năm 2016. Các chuẩn năng lực đầu ra được xây dựng dựa trên “Chuẩn năng lực cơ bản bác sĩ đa khoa” do Bộ Y tế ban hành và Khung năng lực trình độ quốc gia bậc VII, có đối sánh với các chương trình trong nước, trong khu vực và thế giới.

Với sự hợp tác của Trường ĐH Y Harvard (Mỹ) và tổ chức HAIVN, ĐH Geneva (Thụy Sĩ), Đại học Ludwig Maximilian (LMU) (Đức) và ĐH DUKE-NUS (Singapore), chương trình đã có nhiều đổi mới và tiếp cận trình độ của thế giới, khung chương trình được thiết kế tích hợp giữa y học cơ sở, y học lâm sàng và y học dựa trên bằng chứng, nhằm phát triển toàn diện các năng lực chuyên môn, NCKH và năng lực học tập suốt đời của người học.

Với sự hỗ trợ của Trung tâm sức khỏe ĐH Texas Tech, El Paso, Khoa Y đã xây dựng Đơn vị Phát triển giảng viên với mục tiêu phát triển năng lực đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình đổi mới dựa trên chuẩn năng lực.

Bên cạnh đó, hệ thống CSVT, trang thiết bị hiện đại hỗ trợ sinh viên đa chiều được đầu tư và sử dụng hiệu quả, trong đó có Trung tâm Huấn luyện nâng cao mô phỏng lâm sàng (ATCS), các giảng đường thông minh, phòng thực tập và nghiên cứu, hệ thống e-learning, bệnh viện thực hành đáp ứng nhu cầu dạy-học tích cực và ngày càng đổi mới...

Phòng Phẫu thuật thực nghiệm trong phiên live stream giới thiệu cơ sở vật chất chương trình Y khoa
Phòng Phẫu thuật thực nghiệm trong phiên live stream giới thiệu cơ sở vật chất chương trình Y khoa

CTĐT Dược học 5 năm hệ ĐH được xây dựng dựa trên thuyết kiến tạo, với triết lý lấy người học làm trung tâm, nhằm đáp ứng các nhu cầu thực tế của xã hội.

Đây là CTĐT Dược sĩ ĐH đầu tiên tại Việt Nam được kiểm định theo bộ tiêu chuẩn khu vực Đông Nam Á. Trước đó, chương trình đã được đánh giá ngoài bởi Tổ chức kiểm định CTĐT Dược, Hiệp hội Trưởng khoa các Trường ĐH Dược khối Pháp ngữ (CIDPHARMEF) vào năm 2015 và 2019.

Hình ảnh Kiểm định viên AUN-QA và các đối tượng phỏng vấn chương trình Dược học
Hình ảnh Kiểm định viên AUN-QA và các đối tượng phỏng vấn chương trình Dược học

Được biết, triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược bảo đảm chất lượng GDĐH, năm 2017, ĐH Y Dược TP.HCM đã hoàn thành việc kiểm định cơ sở GD theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT. Năm 2018, ĐH Y Dược TP.HCM tham gia Mạng lưới ĐH khối ASEAN (ASEAN University Network).

Hệ thống Mạng lưới ĐH khối ASEAN hiện nay bao gồm 30 trường ĐH là thành viên chính thức và 117 trường ĐH là thành viên liên kết, trong đó Việt Nam tham gia với 3 ĐH thành viên và 38 trường thành viên liên kết.

AUN-QA xác định vai trò hoạt động với mục đích nâng cao chất lượng GDĐH trong cộng đồng ASEAN. Việc gia nhập mạng lưới AUN và tham gia các hoạt động đánh giá CTĐT và cơ sở giáo dục là một hoạt động có ý nghĩa, giúp các cơ sở GDĐH thực hiện tự đánh giá, đối sánh, đánh giá ngoài, cải tiến chất lượng, phát triển và hội nhập.

Tính từ năm 2007 đến hết tháng 5/2021, AUN-QA thực hiện 214 đợt đánh giá chất lượng các  CTĐT, với 659 chương trình được đánh giá tại các trường ĐH trong khối ASEAN, trong đó có 77 đợt đánh giá tại 27 cơ sở giáo dục tại Việt Nam, với tổng số 223 CTĐT. Ở cấp cơ sở giáo dục, 8 trường ĐH đã được đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn AUN-QA, trong đó có 2 trường tại Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ