ĐH Nông Lâm vẫn chung thủy với 3 chung

ĐH Nông Lâm vẫn chung thủy với 3 chung

(GD&TĐ) - Trước thềm tuyển sinh 2014, chọn thi chung hay thi riêng vẫn đang là sự đắn đo của một số trường và quyết định cuối cùng vẫn phải chờ Bộ ban hành. PV Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trao đổi ngắn với TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nông Lâm - xung quanh vấn đề này.

Theo thông tin, từ năm 2014 Bộ giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ. Các trường phải có trách nhiệm xây dựng đề án tuyển sinh riêng của trường mình trên cơ sở những nguyên tắc mà Bộ ban hành. Hiện nay nhà trường đã chuẩn bị gì cho công việc tuyển sinh 2014?

Tiến sĩ Trần Đình Lý
Tiến sĩ Trần Đình Lý

- Hội đồng tuyển sinh của Trường đã họp bàn chuẩn bị cho đề án tuyển sinh riêng. Năm 2014, nhà trường vẫn duy trì kỳ thi 3 chung vì từ khi 3 chung đến nay, nhà trường tổ chức thi chưa có gì trục trặc, mọi việc đều trôi chảy ở trong tất cả các khâu đề, coi, chấm, xét, tuyển… Do vậy, năm 2014, chắc chắn nhà trường vẫn chung thủy với kỳ thi 3 chung.

Theo dự kiến từ năm sau các trường sẽ có 3 lựa chọn: Thứ nhất, tuyển sinh riêng nếu được Bộ xác nhận đáp ứng các yêu cầu của quy định. Thứ hai, tham gia kỳ thi chung do Bộ tổ chức. Thứ ba, thỏa thuận với trường có đề án tuyển sinh phù hợp đã được Bộ xác nhận là đáp ứng các yêu cầu của quy định để tổ chức tuyển sinh theo đề án của trường đó. Nhà trường sẽ lựa chọn phương án nào? Ý kiến của ông về các phương án này?

- Ba lựa chọn này cũng có nhiều ý nghĩa. Trong bối cảnh Bộ giao cho các trường quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm, việc mở lối đi và gợi ý lối đi cho các trường đánh giá sự cởi mở, sự chuyên nghiệp của Bộ GD&DT.

Có rất nhiều chuyên gia kinh nghiệm lâu năm trong giáo dục, trong tuyển sinh đã dự báo xu hướng nhiều trường có sự tương đồng sẽ phối kết hợp với nhau để tuyển sinh chung. Cần có lộ trình là hết sức cần thiết cho học sinh chuẩn bị tốt. Trong khi chờ đợi phương án tối ưu và hợp lý với bối cảnh của trường, trước mắt nhà trường vẫn tiếp tục 3 chung của Bộ GDDT

Về việc “Thi riêng không được xét tuyển chung”, nhiều ý kiến cho rằng như vậy sẽ ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của thì sinh và cả đơn vị tổ chức thi riêng? Ông thấy thế nào?

-: Câu này đang đề cập đến tính nghiêm túc trong thi cử. Thi phải nghiêm túc và nếu có sử dụng chung việc gì thì cần phải  dựa vào chuẩn đánh giá. Khâu đề thi là rất quan trọng, cần phải kiểm định sự tương xứng. Các khâu coi thi, chấm thi cũng vậy, phải nghiêm túc để đạt kết quả có thể so sánh tương xứng được! Khi đó sẽ xét chung từ những cái riêng được.

Một nét “riêng dùng chung” là các trường có thể nhờ Bộ hỗ trợ khâu đề thi cho đạt chuẩn và đồng nhất, các khâu còn lại các trường sẽ tự chủ và tự chịu trách nhiệm…

Việc các trường không tổ chức thi, mà chỉ xét tuyển sẽ ít nhiều ảnh hưởng, ông thấy thế nào? Ý kiến riêng của ông về việc đổi mới tuyển sinh trong năm 2014 này?

- Không phải trường nào cũng đủ điều kiện tổ chức thi. Việc trường nào đó không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển cũng có lý do của học, chúng ta nên chấp nhận. Điều quan trọng là xét tuyển phải đúng quy chế.

Bất kỳ một sự lúng túng nào của các trường, sự hỗ trợ của Bộ bao giờ cũng rất có ý nghĩa. Hy vọng mọi sự hỗ trợ, tổ chức thực hiện dựa trên tính đặc thù của từng trường hay nhóm trường đều đạt kết quả tốt…

Nói chung là VN chúng ta có một lợi thế rất lớn là đi sau các nước phát triển. Vì vậy, chúng ta có thể học hỏi trao đổi và kế thừa các tinh hoa, áp dụng cho các trường trong hệ thống... Tuy nhiên, ở góc độ vĩ mô rất quan trọng, cần nghiên cứu kỹ, rõ các chính sách, hệ thống văn bản pháp quy, tuyệt đối không được đưa học sinh ra để thử nghiệm.

Công Chương thực hiện

*****

Nhằm giúp ngành Giáo dục có một phương án tuyển sinh theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục ĐH, vừa tạo điều kiện tối đa cho các nhà trường và thí sinh trong công tác tuyển sinh nhưng vẫn đảm bảo tính trung thực, khách quan, khoa học của một kỳ thi Quốc gia, báo Giáo dục & Thời đại mở “Diễn đàn trao đổi về phương án tuyển sinh đại học 2014”, đăng tải rộng rãi những ý kiến, chia sẻ, hiến kế tâm huyết của các nhà quản lý, các nhà giáo, chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục.

Mọi trao đổi, đóng góp xin gửi về: gdtd.tuyensinh2014@gmail.com.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ