ĐH Đà Nẵng 'siết' chặt quy định đối với giảng viên cử đi đào tạo ở nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Một số học viên đã phá vỡ hợp đồng khi tham gia đào tạo ở nước ngoài theo các đề án của ĐH Đà Nẵng.

Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng và các trường thành viên chúc mừng các tân tiến sĩ năm 2023.
Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng và các trường thành viên chúc mừng các tân tiến sĩ năm 2023.

Theo thông tin từ ĐH Đà Nẵng, từ trước đến nay, đã cử hơn 1.246 viên chức đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài theo các đề án. Trong đó có 246 trường hợp đi đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước, hơn 1.000 viên chức còn lại từ kinh phí ngoài ngân sách.

Số lượng học viên phá vỡ hợp đồng khi tham gia đào tạo ở nước ngoài theo các đề án của ĐH Đà Nẵng không đáng kể.

Đơn cử như Đề án 322/2000/QĐ-TTG (Đề án 322) về “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước”, được triển khai từ năm 2000 – 2005, ĐH Đà Nẵng cử 109 người đi học tập ở các nước tiên tiến trên thế giới, phần lớn đã hoàn thành chương trình đào tạo và trở lại đơn vị tiếp tục công tác.

Ở đề án này, ĐH Đà Nẵng có 1 trường hợp không hoàn thành khóa học do sức khỏe, 1 người định cư ở nước ngoài không thể liên lạc được và 2 người tự ý bỏ về.

Năm 2023, ĐH Đà Nẵng có thêm 65 giảng viên có trình độ tiến sĩ. Trong số này, có nhiều người được tuyển dụng mới hoặc đào tạo, bảo vệ thành công luận án từ các trường ĐH uy tín có nền giáo dục tiên tiến như: Nhật Bản, Pháp, Vương quốc Anh, Vương quốc Bỉ, Đức, Nga, Canada, New Zealand, Ai-len, Áo, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc…

TS Cao Xuân Tuấn, Trưởng ban Tổ chức cán bộ, ĐH Đà Nẵng cho biết, trong tổng số viên chức đã được cử đi đào tạo ở nước ngoài, đến thời điểm này, ĐH Đà Nẵng có 19 giảng viên đã quá thời hạn theo hợp đồng nhưng chưa trở về nhận công tác.

Trong số này, có 15 trường hợp đi học bằng kinh phí cá nhân hoặc học bổng giáo sư, cơ sở đào tạo nước ngoài cấp; 4 trường hợp được cử đi học theo các đề án từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đối với 4 giảng viên đi đào tạo từ ngân sách nhà nước không về, hiện có 2 trường hợp xin thôi việc. Các trường thành viên đã tổ chức xét và ban hành quyết định đền bù chi phí đào tạo. Một giảng viên đồng ý với quyết định đền bù, một giảng viên đang xin xem xét lại.

Hai trường hợp còn lại, ĐH Đà Nẵng vẫn đang tiếp tục liên hệ. Trong trường hợp chắc chắn không về, ĐH Đà Nẵng sẽ chỉ đạo các trường xử lý theo thẩm quyền và đề nghị bồi hoàn kinh phí đào tạo theo quy định.

Về nguyên nhân giảng viên được cử đi đào tạo ở nước ngoài không trở về nhận công tác, TS Cao Xuân Tuấn cho rằng, có thể các cá nhân này đang trong thời gian tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu cùng các giáo sư nước ngoài. Cũng có thể do sự chênh lệch về điều kiện làm việc, thu nhập, gia đình… khiến các giảng viên không về nhận công tác.

Những trường hợp đi đào tạo bằng kinh phí cá nhân mà không về nước, ĐH Đà Nẵng vẫn giữ liên lạc và trao đổi chuyên môn khi cần thiết.

Theo quy định, ngoài cam kết của viên chức khi được cử đi học và quyết định bồi hoàn kinh phí khi không thực hiện đúng cam kết thì nhà trường không có chế tài nào khác để buộc viên chức phải về nước khi hết thời hạn học tập.

Công tác quản lý viên chức đi học ở nước ngoài được ĐH Đà Nẵng và các trường đại học thành viên thực hiện rất chặt chẽ theo đúng các quy định hiện hành.

Đơn vị triển khai những quy định bắt buộc với viên chức: Trước khi được cử đi học phải có cam kết như công tác tại ĐH Đà Nẵng với thời gian gấp 3 lần so với tổng thời gian của khóa đào tạo, tính từ thời điểm cử đi. Nếu không thực hiện đúng cam kết trên, gia đình người học hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo. Các trường thường xuyên giữ liên lạc với viên chức trong suốt quá trình học tập.

Các trường hợp đi học quá hạn đều có thông báo nhắc nhở, đề nghị viên chức về nước tiếp tục công tác theo cam kết và đề nghị các trường thành viên xử lý theo quy định.về thì ĐH Đà Nẵng vẫn nhận và bố trí công tác.

Còn PGS.TS Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng: "Các cơ sở giáo dục đại học, khi cử giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài, nên cử nhóm giảng viên cùng chuyên ngành hoặc liên ngành đi đào tạo để tạo nên các nhóm nghiên cứu – giảng dạy mạnh sau này. Nên có bảo lãnh của gia đình, chứng thực của chính quyền địa phương. Trường nên căn cứ kết quả học tập của năm trước để cấp học bổng, học phí năm sau; tăng vai trò quản lý của khoa, bộ môn có người học, giữ liên hệ thường xuyên…"

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.
Ảnh: Quốc Bình

Đu đủ là vừa!

GD&TĐ - Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương.
Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.