ĐH Đà Nẵng: Chia sẻ kinh nghiệm về kiến trúc trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục

GD&TĐ - Hôm nay (17/4), ĐH Đà Nẵng tổ chức tọa đàm về kiến trúc trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục nhằm chia sẻ kinh nghiệm từ hai vị khách đến từ Vương quốc Anh: Giáo sư của GS. Alison Halstead - Phó Giám đốc ĐH Aston và kiến trúc sư Dipesh Patel.

KTS Dipesh Patel chia sẻ kinh nghiệm về thiết kế các công trình kiến trúc trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục.
KTS Dipesh Patel chia sẻ kinh nghiệm về thiết kế các công trình kiến trúc trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục.

Tại buổi tọa đàm, GS. Alison Halstead đặt vấn đề: “Nếu không có đủ kinh phí để xây dựng công trình mới thì sẽ tái cấu trúc, cải tạo lại như thế nào để xây dựng một không gian mới phù hợp với điều kiện học tập? Tạo sao việc tạo ra một không gian học tập lại quan trọng như vậy”. 

Theo GS Alison Halstead, mục tiêu đầu tiên đối với thiết kế một trường học là có không gian tạo điều kiện cho giảng viên giảng dạy và nghiên cứu; tạo được sự kết nối, tương tác giữa người dạy, người học và doanh nghiệp để các đối tượng này có thể hỗ trợ lẫn nhau. 
“Theo quan niệm thiết kế phòng học truyền thống thì SV vào trong một phòng học rồi ngồi nghe và ghi chép là cách thức học tập tốt nhất. 

Thế nhưng, trên thực tế, với cách học tập này, người học chỉ ghi nhận được 50% lượng kiến thức được cung cấp. Trong khi đó, nếu người học có sự tương tác với giảng viên, với bạn học hoặc với các phương tiện nghe – nhìn khác thì kiến thức được lĩnh hội sẽ đạt mức khoảng 80%” – GS Alison Halstead cho biết. 

Tại buổi tọa đàm, kiến trúc sư Dipesh Patel đã chia sẻ kinh nghiệm làm sao để thiết kế một công trình phù hợp với tư duy và suy nghĩ của cộng đồng, khơi dậy sự đam mê của cộng đồng; cách tạo không gian nhằm hình thành cộng đồng học tập, học tập nhóm trong thiết kế các công trình giáo dục. 

Theo kiến trúc sư Dipesh Patel, trước khi bắt tay thiết kế một công trình, bằng cách khuyến khích SV, giảng viên xây dựng mô hình lý tưởng về ngôi trường của mình, kiến trúc sư có thể khảo sát được nguyện vọng của các đối tượng sẽ thụ hưởng công trình, rút ngắn được khoảng cách giữa việc tự vẽ thiết kế và đối tượng sử dụng. 

Ngoài tạo ra không gian cho SV, giảng viên, thì thiết kế một trường học cũng nên tạo ra không gian công cộng cho người dân trong khu vực, “tạo cho người dân suy nghĩ rằng cần phải đến trường” 

“Trong thiết kế, phải suy nghĩ và chi tiết hóa đến từng thiết bị, vật dụng; ví dụ như bàn ghế nếu đặt thẳng hàng thì rất khó cho hoạt động nhóm, do đó phải làm sao để các thành viên trong nhóm có thể nhìn thấy mặt nhau và quan sát được cả giảng viên” - kiến trúc sư Dipesh Patel lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ