ĐH Bách khoa Hà Nội bước vào năm học 'Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương'

GD&TĐ - 70 năm qua, ĐH Bách khoa Hà Nội đã đào tạo trên 200 nghìn kỹ sư, 17 nghìn thạc sĩ, gần 1.200 tiến sĩ.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư - phát biểu tại buổi lễ.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư - phát biểu tại buổi lễ.

Phát triển đột phá, vượt bậc

Sáng 9/10, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức khai giảng năm học 2024 – 2025. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.

Báo cáo tại Lễ khai giảng, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, chủ đề năm học 2024 – 2025 là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương".

Giai đoạn 2030 - 2035, Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ cho ĐH Bách khoa Hà Nội phát triển đột phá, vượt bậc để nằm trong nhóm các trường đại học hàng đầu châu Á. ĐH Bách khoa Hà Nội đã hoàn thành Đề án, trình Bộ GD&ĐT để xin ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương liên quan và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2024.

Ngoài ra, Khung Chiến lược phát triển ĐH Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn 2045 đã được xây dựng, truyền thông nội bộ và được Hội đồng đại học thông qua.

dhbachkhoa-4-1901.jpg
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội báo cáo tại buổi lễ.

Nhắn gửi đến sinh viên, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng lưu ý, học đại học có nhiều khác biệt, đòi hỏi các em chín chắn, lựa chọn những kiến thức cần học và khám phá. Các em cần có sự cân bằng và phân bổ thời gian học, giải trí, rèn luyện thể thao một cách hợp lý.

“ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ là nền tảng, xã hội thu nhỏ, không chỉ là nơi để sinh viên học tập kiến thức chuyên môn, nghề nghiệp, mà còn là nơi để các em rèn luyện thể chất, học tập thể thao, học tập văn hoá làm việc, văn hoá ứng xử để phát triển nhân cách một cách tốt nhất” - PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng khẳng định.

Gửi lời chúc mừng đến thầy – trò ĐH Bách khoa Hà Nội nhân dịp khai giảng năm học mới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, ĐH Bách khoa Hà Nội đã từng bước khẳng định vị thế, uy tín.

Đây là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật chất lượng cao, có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

dhbachkhoa-1-2613.jpg
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn tham quan Trung tâm Xây dựng Học liệu số, ĐH Bách khoa Hà Nội.

70 năm qua, ĐH Bách khoa Hà Nội đã đào tạo trên 200 nghìn kỹ sư, 17 nghìn thạc sĩ, gần 1.200 tiến sĩ. Từ 848 sinh viên khóa đầu tiên (năm 1956), nay nhà trường đã tuyển sinh trên 9 nghìn sinh viên mỗi khóa, với quy mô đào tạo gần 40 nghìn người học (kể cả sinh viên quốc tế).

Đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học đạt 74% (cao nhất trong các cơ sở giáo dục đại học của cả nước); trong đó, có gần 300 GS, PGS. Đây là nguồn tài nguyên tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và động lực quan trọng nuôi dưỡng, phát huy, khai thác, sử dụng có hiệu quả.

Lan tỏa môi trường “văn hóa Bách khoa”

Nhắc lại Nghị quyết số 30-NQ/TW (ngày 23/11/2022) của Bộ Chính trị khóa XIII, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp là tăng cường đầu tư, phát triển ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội và một số trường đại học lớn, đa ngành trong vùng đồng bằng sông Hồng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.

20241009-cbo-5424-1790.jpg
Toàn cảnh lễ khai giảng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, năm học 2024 - 2025 và thời gian tới, ĐH Bách khoa Hà Nội cần nhận thức sâu sắc, quán triệt đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Ðảng và Nhà nước.

Đồng thời, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của ĐH Bách khoa Hà Nội trong nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Bên cạnh đó, chú trọng nghiên cứu, đề xuất ý tưởng mới, có tính đột phá. Mạnh dạn thí điểm những mô hình mới hoặc áp dụng sáng tạo, có chọn lọc những mô hình tiên tiến của các đại học đẳng cấp thế giới.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo cả về tài và đức, phẩm chất và uy tín khoa học, bởi đây là nguồn lực và động lực quan trọng nhất để tạo nên sự phát triển đột phá.

dhbachkhoa-2-1810.jpg
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cùng lãnh đạo các Bộ/Ngành và Ban lãnh đạo ĐHBK Hà Nội khánh thành Trung tâm Xây dựng học liệu số, ĐH Bách khoa Hà Nội.

Cùng với đó, tăng cường mối quan hệ, hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ, ủng hộ từ các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Ðẩy mạnh kết nối, hợp tác quốc tế trong đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, nội dung, phương thức, kỹ năng giáo dục đại học trong kỷ nguyên số; nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ mũi nhọn.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị coi trọng xây dựng, lan tỏa môi trường “văn hóa Bách khoa”, với bản sắc riêng có của “Người Bách khoa”, như các đồng chí đã xác định giá trị cốt lõi là: Trách nhiệm – Sáng tạo – Chính trực – Xuất sắc.

Nhân dịp này, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đặt hoa tưởng niệm tại Tượng đài “Cán bộ và sinh viên xếp bút nghiên lên đường bảo vệ Tổ quốc”, dự Lễ Khánh thành Trung tâm xây dựng học liệu số 2 tại Tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu. Trung tâm là minh chứng cho thấy ĐH Bách khoa Hà Nội coi chuyển đổi số là bước đột phá quan trọng, nhằm duy trì vị thế đại học khoa học - kỹ thuật hàng đầu tại Việt Nam, có sức ảnh hưởng, tiên phong và dẫn dắt trong giáo dục đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ