Dệt câu chuyện dân tộc mình

GD&TĐ - Khoảng 6 năm trước, nhóm các chị em vì tiếng nói dân tộc thiểu số có dịp ngồi với nhau. Từ đó, ý tưởng xây dựng các câu chuyện về văn hoá dân tộc được hình thành qua hành trình dệt thổ cẩm.

Trong hành trình của mình, nhóm Tiên Phong đã thực hiện khá nhiều trưng bày và kể chuyện về thổ cẩm các dân tộc.
Trong hành trình của mình, nhóm Tiên Phong đã thực hiện khá nhiều trưng bày và kể chuyện về thổ cẩm các dân tộc.

Câu chuyện về dệt được nhóm Tiên Phong khởi xướng, lên kế hoạch cùng nhau thực hiện thu thập những hoa văn, hoạ tiết thổ cẩm. Câu chuyện về nghề dệt của các dân tộc thiểu số cứ thế lan tỏa, thu hút đông đảo các chị em tham gia.

Kể lại chuyện đã mất

Được hình thành từ năm 2015, đến nay Tiên Phong đã quy tụ được hàng nghìn thành viên từ khoảng 20 dân tộc trên các tỉnh thành. Sứ mệnh của nhóm là cùng nhau gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo tồn và phát huy tri thức bản địa.

Cùng với đó, họ cũng tham gia vận động chính sách, lan tỏa đến xã hội nhằm tạo ra sự hiểu biết đúng đắn về người dân tộc thiểu số. Đồng thời, tinh thần của nhóm cũng nhằm truyền cảm hứng đến với cộng đồng về sự tự hào - tự tin - tự chủ, phát huy giá trị văn hóa hóa truyền thống.

Có thể trước đây, không ai thấy hình ảnh các chàng trai, cô gái đến vũ trường hay quán bar mà diện váy dân tộc. Giờ đây, hình ảnh cô gái trẻ mặc váy Mèo, chít khăn piêu không còn là điều lạ mà trở thành nét văn hoá đặc trưng trong tiến trình hội nhập.

Không có lợi ích cá nhân, không vì danh tiếng bản thân là tiêu chí để những người trong nhóm Tiên Phong hoạt động một cách bền bỉ. Từ cách tiếp cận dự án, sáng kiến cộng đồng, kể những câu chuyện hiếm người biết về trang phục dân tộc mình để cùng nhau bảo tồn, tìm cách phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đã thu hút đông đảo chị em người dân tộc thiểu số cùng tham gia.

Những câu chuyện được kể về trang phục, nếu như bạn tưởng đã hiểu thì mới ngỡ rằng bạn chẳng hiểu gì. Bởi những câu chuyện mà nhóm sưu tầm, được kể từ chính những nghệ nhân của một dân tộc nào đó đã phai mất đi nét văn hoá cổ xưa. Sự am hiểu đến sâu sắc ý nghĩa từng hoa văn, họa tiết đã đem đến cho cộng đồng thêm vốn văn hoá chưa từng nghe trên mảnh đất hình chữ S.

Những cô gái Thái vùng Tây Bắc chẳng hạn, họ mặc trang phục truyền thống với áo cóm, váy đen và chiếc khăn piêu. Ngay từ nhỏ, người con gái Thái được các bà, các mẹ dạy cách thắt “xài yêu”, một loại thắt lưng bằng vải, để lớn lên các cô đều có thân hình “eo kíu manh po”, nghĩa là thắt đáy lưng ong. Chính vì vậy, khi trưởng thành, các cô gái Thái đều uyển chuyển với những đường cong tuyệt mỹ. Phải thế chăng mà phụ nữ Thái ở lứa tuổi nào cũng đều có một cơ thể cân đối hài hòa và càng nổi bật hơn khi mặc bộ trang phục của chính dân tộc mình.

Hay câu chuyện dệt thổ cẩm của người Pà Thẻn (Hà Giang) bằng sự tài hoa, với đôi bàn tay khéo léo đã dệt lên những bộ váy áo cầu kỳ. Từ những sợi tơ mỏng manh, chế tác từ cây cỏ tự nhiên, với phương pháp dùng khung cửi dệt thủ công dệt lên những tấm thổ cẩm rực rỡ.

Cách dệt và hoa văn trên mỗi thổ cẩm là một câu chuyện thú vị cùng những thông điệp rất sâu sắc.
Cách dệt và hoa văn trên mỗi thổ cẩm là một câu chuyện thú vị cùng những thông điệp rất sâu sắc.

Bảo tàng thổ cẩm online

Mỗi tấm vải thổ cẩm được sinh ra, nó không chỉ là sản phẩm vật chất, mà còn là sản phẩm tinh thần thể hiện bản sắc riêng của văn hóa từng dân tộc. Ở đó là những câu chuyện về đời sống, văn hóa như: “…Ngày xưa người Pà Thẻn không trồng lúa, cả làng họp nhau cử con chó lên trời xin giống. Trên đường mang giống về trải qua nhiều nạn, phải bơi qua sông, rồi giống rơi xuống nước phải nhờ chuột giúp đỡ”.

Giai thoại đó giải thích lý do tại sao con chuột chỉ ăn phần đầu của lúa, và tại sao người Pà Thẻn đưa hình ảnh con chó vào hoa văn thổ cẩm của mình. Hay câu chuyện của những người mẹ, người chị với đôi bàn tay mềm mại, cần mẫn “dệt cuộc sống”, “dệt ước mơ” cho con em sau này.

Hay như chỉ 1 chiếc khăn của người Chăm vùng Ninh Thuận đã mang đủ các ý nghĩa lẫn bất ngờ. Phụ nữ các nhóm Chăm thường đội khăn phủ trên mái tóc hoặc quấn gọn trên đầu, quấn theo lối chữ nhân, hoặc với loại khăn to quàng từ đầu rồi phủ kín vai.

Khăn đội đầu chủ yếu là màu trắng, có loại được trang trí hoa văn theo lối viền các mép khăn (khăn to), nhóm Chăm Hroi thì đội khăn màu chàm. Lễ phục thường có chiếc khăn vắt vai ngoài chiếc áo dài màu trắng. Đó là chiếc khăn dài tới 23m vắt qua vai chéo xuống hông, được dệt thêu hoa văn cẩn thận với các màu đỏ, trắng, vàng của các mô tip trong bố cục của dải băng.

Trong tiến trình diễn ra hoạt động tìm hiểu hoa văn, các thành viên nhóm Tiên Phong tích cực chia sẻ những câu chuyện mình đang làm; những hoa văn, câu chuyện và ý nghĩa trên mạng xã hội một cách đầy tự hào. Từ đó, những câu chuyện cổ, tên các hoa văn hoạ tiết trên thổ cẩm dân tộc tưởng chừng đã mất được làm sống lại.

Đại diện nhóm Tiên Phong nói rằng, không chỉ dừng lại ở mức độ lan tỏa trong cộng đồng vì bây giờ là chặng cuối, nhóm muốn mang những câu chuyện ấy đến chia sẻ với nhiều người hơn nữa. Không chỉ người dân tộc thiểu số biết đến ý nghĩa trang phục mình mặc, mà còn biết tới hoa văn dân tộc khác.

Những câu chuyện được kể qua các buổi trò chuyện với công chúng được nhóm Tiên Phong thực hiện rất sâu sắc. Khi họ bắt đầu nghĩ tới ý tưởng trao truyền nghề dệt thổ cẩm cũng là lúc gặp được nhóm Ethnicity Việt. Đó là một nhóm các bạn trẻ say mê sưu tầm và nghiên cứu hoa văn thổ cẩm dân tộc và đặc biệt họ đã số hóa (digitalize) các hoa văn để chúng có thể được lưu giữ và phát triển trên nền tảng mạng công nghệ. 

Sự gặp gỡ giữa truyền thống và hiện đại đã kết hợp những người yêu mến văn hoá dân tộc và cùng ra ý tưởng: Xây dựng Bảo tàng online hoa văn các dân tộc. Với bảo tàng này, những câu chuyện về nghề dệt, những ý nghĩa của hoa văn và hơn hết là văn hóa của nhiều tộc người tại Việt Nam sẽ được giữ gìn và lan tỏa. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.