Dẹp “loạn” bạo hành trẻ mầm non - trách nhiệm không của riêng ai

Dẹp “loạn” bạo hành trẻ mầm non - trách nhiệm không của riêng ai

(GD&TĐ) - Thông tin về việc chiều 17/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thủ Đức (TPHCM) đã bắt tạm giam 2 bảo mẫu ở điểm trông trẻ tư nhân số 18, đường Tam Bình, khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TPHCM cũng không xoa dịu được làn sóng hoang mang, bức xúc trong dư luận.

Câu hỏi đặt ra là vì sao trước đó, nhiều vụ bạo hành trẻ ở TPHCM đã bị phát hiện và xử lý nghiêm minh mà cho tới nay không những không chấm dứt mà còn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trước đó chỉ đúng một tháng (ngày 17/11), bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ (phường Linh Trung, Thủ Đức) đã hành hạ dã man cháu bé 18 tháng tuổi gây tử vong.

Nhìn nhận lại hàng loạt vụ việc, có thể thấy hầu hết là xảy ra ở những nhóm trẻ gia đình tự phát, không được cấp phép, ít được sự quan tâm giám sát từ phía chính quyền địa phương.  Các bảo mẫu ở những điểm tư nhân này thường là rất trẻ (bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ mới 18 tuổi, bảo mẫu Nguyễn Lê Thiên Lý mới 19 tuổi)…

Trong thực tế, một địa bàn rộng lớn, đông dân nhất nước như TPHCM thì việc quản lý các nhóm trẻ gia đình tự phát là hết sức khó khăn. Nguồn nhân lực ở những nhóm trẻ này hầu hết là lao động trẻ ở nhiều địa phương tới chỉ để kiếm đồng lương sống qua ngày.

Đã không thể mặn mà với nghề khi đồng lương mà chủ cơ sở trả cho họ một cách rẻ mạt, lại không được trang bị về kiến thức, lối sống, thiếu trải nghiệm về tình thương yêu, chăm sóc trẻ, nên khi cái ác bản năng nổi lên, họ không tự kiềm chế được và đã để xảy ra hậu quả đáng tiếc. 

Một khán giả truyền hình sau khi xem đoạn clip trẻ ở TPHCM đã tâm sự: Thú thật là chính bản thân tôi cũng giật mình và cảm thấy mình cũng đang là người thiếu trách nhiệm, khi ở phía sau nhà tôi có một trường mầm non tư thục hẳn hoi chứ không phải là nhóm trẻ, trường rất rộng và đẹp, nhưng ngày nào cũng thấy tiếng cô quát mắng, tiếng trẻ la khóc.

Có lần tôi muốn qua xem như thế nào nhưng các cô bảo mẫu không cho vào. Sau đó thì chủ trường lại tiếng ra tiếng vào với tôi. Mình cứ sợ mất lòng hàng xóm nên cũng lại đành ngậm tăm không dám nói với ai. 

Ý kiến của người dân nêu trên đáng để chúng ta suy ngẫm. Quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương khi có bạo hành trẻ em xảy ra là cần thiết. Nhưng người đứng đầu có biện pháp để ngăn chặn tận gốc hành vi bạo hành hay không mới là vấn đề đáng phải bàn.

Thiết nghĩ, các địa phương cần tổ chức tuyên truyền thường xuyên để người dân hiểu được trách nhiệm của mình vì tương lai của trẻ em, có cơ chế khuyến khích người phát hiện kịp thời những hành vi đó.

Cũng cần có chế tài đối với những nhóm trẻ gia đình hoạt động không xin phép và chỉ cấp phép khi có đủ điều kiện về CSVC, tuổi đời, trình độ của người trông giữ trẻ. Có như thế mới không dẫn đến tình trạng: “Chờ được vạ thì má đã sưng”, hễ cứ có hậu quả chết người đưa đến mới lại báo cáo, kiểm tra, xử lý để rồi gây mất niềm tin trong nhân dân.

Hồng Thúy

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ