Phan Hữu Dật
Hòn vọng phu
Hòn vọng phu nước nào chẳng có
Khi chiến tranh vợ phải lìa chồng
Lên đỉnh núi trông chồng hóa đá
Tạc lên trời bức tượng cô đơn
Nhìn tượng đá sương mù bao phủ
Sáng Hè mà lạnh hơn trời Đông
Chiều trông người cúi đầu ủ rũ
Bỗng dưng ảm đạm cả hoàng hôn
Hòn vọng phu nỗi đau nhân loại
Tự ngàn xưa đâu chỉ hôm nay
Vết thương lòng có ngày lành lại
Để đá kia được trở thành người.
(Rút trong tập “Nhành mai vàng”, 1996)
Một thời từng trải, một đời gắn bó với ngành dân tộc học, ông hiểu hơn ai hết những nỗi đau mà người dân phải gánh chịu trong thời kì chiến tranh ác liệt để rồi viết nên bài thơ “Hòn vọng phu”.
Bài thơ được sáng tác năm 1983, có khổ mở đầu là lời giải thích về sự tích hòn vọng phu:
“Hòn vọng phu nước nào chẳng có
Khi chiến tranh vợ phải lìa chồng
Lên đỉnh núi trông chồng hóa đá
Tạc lên trời bức tượng cô đơn”
Ngay từ câu đầu, nhà thơ đã khẳng định “Hòn vọng phu nước nào chẳng có”. Quả vậy, khi chiến tranh xảy ra đã cướp đi những phút giây yên bình, nhất là với tổ ấm gia đình: Vợ xa chồng, cha lìa con. Khi ấy, người chồng phải ra nơi chiến trường ác liệt, đánh cược mạng sống của bản thân để hoàn thành trách nhiệm đối với đất nước.
Ở nơi hậu phương, người vợ luôn mong mỏi một ngày được thấy bóng dáng thân quen trở về chung sống hạnh phúc. Ngày đêm nhớ chồng nàng bồng con lên núi ngóng trông nhưng vẫn chim cá bặt tăm để rồi hóa đá… Bức tượng ấy dẫu cô đơn lẻ bóng trong không gian rộng lớn nhưng là biểu tượng của tấm lòng, tình yêu thủy chung người phụ nữ dành cho chồng đang xông pha nơi chiến trường.
Nghệ thuật nói quá qua động từ “tạc lên trời” như hằn trong trái tim góa phụ vết thương, sự thiếu vắng không thể bù đắp.
“Nhìn tượng đá sương mù bao phủ
Sáng Hè mà lạnh hơn trời Đông
Chiều trông người cúi đầu ủ rũ
Bỗng dưng ảm đạm cả hoàng hôn”
Ảnh minh họa: INT. |
Nơi núi cao, màn sương mù bao phủ hòn vọng phu. Và dưới con mắt thi nhân, khung cảnh ấy lạnh lẽo “hơn trời Đông” mặc dù đang là “sáng Hè”. Phép so sánh hơn được sử dụng ở đây thật đắt khi gợi cảm giác ớn lạnh, buốt nhức trong lòng người đọc.
Rồi đến chiều lại là nỗi buồn trầm lặng từ hình ảnh “cúi đầu ủ rũ”. Hình ảnh ấy làm cả hoàng hôn cũng nhuốm màu “ảm đạm” của sự vô vọng. Có lẽ, ngày mỗi ngày lên núi ngóng chồng mà vẫn mịt mù tin tức, người vợ ấy chỉ biết “cúi đầu”, dặn lòng không nản, hãy kiên trì chờ đợi hạnh phúc tới. Cũng bởi thế mà nhà thơ khẳng định:
“Hòn vọng phu nỗi đau nhân loại
Tự ngàn xưa đâu chỉ hôm nay”
Đúng, hòn vọng phu là hình ảnh biểu trưng cho nỗi đau của nhân loại, thường thấy mỗi khi chiến tranh xảy ra. Mỗi khi nhìn vào hòn vọng phu là lại gợi lên nỗi buồn nghẹn ngào về người thiếu phụ bồng con mòn mỏi chờ đợi người chồng trở về, trải dài theo thời gian, không phải chỉ hôm nay mà “tự ngàn xưa”. Đồng cảm với nỗi lòng của thiếu phụ, nhà thơ đã có những mong mỏi, khát khao đầy ý nghĩa:
“Vết thương lòng có ngày lành lại
Để đá kia được trở thành người”.
“Vết thương lòng” ở đây chính là nỗi đau chiến tranh, nó không chỉ đến một cách tức thời, bất ngờ mà còn hằn sâu, ám ảnh trong tâm trí bao người. Nhưng nhà thơ vẫn mong, dù vết thương có sâu đến đâu cũng sẽ có ngày lành lại. Ắt hẳn đó phải là cuộc sống hòa bình.
Đặc biệt, câu thơ cuối cùng như nỗi mong mỏi về một cái kết viên mãn, sự hồi đáp lại sau bao cố gắng, hi vọng mà người vợ gửi gắm tới người chồng nơi tiền tuyến. Khi “đá kia được trở lại thành người” chính là khoảnh khắc sự cô đơn lạnh lẽo không còn nữa để hạnh phúc đoàn viên trở lại. Đó là ước mong giản dị nhưng khó tìm được khi chiến tranh vẫn hiển hiện nơi nơi...
Với thể thơ 7 chữ, cùng việc sử dụng các biện pháp tu từ đặc sắc, bài thơ tuy chỉ gồm 3 khổ nhưng lại hàm chứa nhiều ý nghĩa. Đó là nỗi đau và cũng là lời tố cáo tội ác của chiến tranh được phản ánh qua bức tượng đá có linh hồn – hòn vọng phu.
Đó là ước vọng về một thế giới hòa bình của toàn nhân loại và dẫu mang cảm xúc buồn, bi thương nhưng bài thơ vẫn sáng lên hình ảnh về vẻ đẹp thủy chung, thầm kín của biết bao thiếu phụ là nạn nhân của những cuộc chiến tranh hôm qua và hôm nay.