Triển lãm do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước – Bộ Nội vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - UBND tỉnh Điện Biên, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp phối hợp tổ chức.
Tham dự Lễ Khai mạc có ông Trần Xuân Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội. Về phía Bộ Nội vụ, ông Đoàn Cường, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính; ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; Đại tá Phạm Văn Phi, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam; ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên... và đông đảo cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử chiến dịch cùng các cán bộ, viên chức của các cơ quan, học sinh, nhân dân và khách thăm quan đến với Điện Biên.
Tiết mục văn nghệ chào mừng triển lãm. |
Phát biểu khai mạc Triển lãm, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết: Triển lãm được tổ chức ngay trên chính quê hương của chiến dịch (Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ) - cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, sẽ tạo ấn tượng lan tỏa sâu sắc.
Trong số các hiện vật được giới thiệu, có nhiều tài liệu được Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp giải mật năm 2016 và lần đầu tiên công bố tại Việt Nam.
Các tài liệu này là nguồn sử liệu chân thực, khách quan góp phần giúp các nhà nghiên cứu và công chúng có cơ sở đánh giá, nhìn nhận đa chiều về sự kiện Điện Biên Phủ, đồng thời góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc cho các thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay.
Các khách mời tham quan triển lãm. |
Triển lãm giới thiệu gần 150 tài liệu, hình ảnh, tư liệu, bản đồ và hiện vật về sự kiện lịch sử Điện Biên Phủ từ hai phía Việt Nam và Pháp. Đặc biệt, trong đó có nhiều tài liệu được Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp giải mật và lần đầu tiên công bố tại Việt Nam.
Triển lãm gồm 3 phần:
Phần 1. Giới thiệu những tài liệu hình ảnh về quá trình chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ từ cuối năm 1953 đầu năm 1954, khi Pháp quyết tâm xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh, lòng chảo Điện Biên trở thành tuyến lửa, là điểm quyết chiến chiến lược đối với cả hai bên Pháp – Việt Nam. Công tác chuẩn bị, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ trở nên gấp rút hơn bao giờ hết.
Dưới sự chỉ đạo của của Đảng, Chính phủ, với tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân dân ta, những khẩu pháo, đại bác, cùng những đoàn dân công “chị gánh, anh thồ” tấp nập đến lòng chảo Điện Biên, tất cả cho Chiến dịch được toàn thắng.
Triển lãm thu hút đông các đại biểu tham dự |
Phần 2. Giới thiệu diễn biến và kết quả của chiến dịch qua 56 ngày đêm, từ chiều ngày 13/3/1954, theo lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cuộc tấn công của ta nhằm thẳng vào Sở chỉ huy Him Lam, mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Những thắng lợi của quân dân Việt Nam ở các trận địa Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, Đồi A1, C1, Nậm Rốm, Mường Thanh, … đã buộc Bộ Chỉ huy quân sự của Pháp trong trận Điện Biên Phủ đứng đầu là Tướng De Castries phải đầu hàng vào ngày 07/5/1954.
56 ngày đêm Điện Biên Phủ năm 1954 đã đi vào lịch sử không chỉ của dân tộc ta mà còn là chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Phần 3. Giới thiệu một số hình ảnh kết quả, tác động của chiến dịch với mặt trận ngoại giao: Hội nghị Genève, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình.
Ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên khẳng định: Triển lãm được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 mang nhiều ý nghĩa; tái hiện lại từ công tác chuẩn bị, diễn biến và quá trình kết thúc của chiến dịch từ các tài liệu của hai phía; góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu tới cán bộ, chiến sĩ, học sinh, sinh viên, du khách tham quan và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Ông Dũng cũng cho biết, sau khi Triển lãm kết thúc, những tư liệu, tài liệu lịch sử chưa từng công bố của Triển lãm sẽ được bổ sung, lưu trữ và phát huy giá trị lâu dài tại Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ.