Tản văn:

Hoa trên cát

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tìm cây xanh trên cát đã khó, tìm hoa trên cát còn khó hơn.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Ấy vậy mà thiên nhiên kì diệu vẫn cứ thách thức con người bằng cách làm khả thi những chuyện tưởng chừng như bất khả thi. Ừ, thì có một loài hoa; Hoa trên cát. Hoa không những đẹp mà còn thơm, còn đậu quả khơi khơi trên những triền, những trảng cát khô rông rốc chạy dài ven biển miền Trung. Đương nhiên là cây xương xẩu lắm, gai góc lắm.

Biết thế nào được; không xương, sao trụ nổi nơi muôn loài cỏ cây khác phải vái dài, ngả mũ! Và còn nữa, cái tên “xương rồng” nghe cũng… xương không kém. Thì còn phải hỏi, xương con vật đứng hàng đầu trong Tứ Linh (Long, Lân, Qui, Phụng) của tín ngưỡng dân gian đương nhiên phải là xương… thượng đẳng, miễn bàn!

Nói vui, nhưng cái loài cây nở hoa trên cát kia quả là kì lạ. Thân phình to, mập mềm, bụ nước; nhưng lá lại biến thành… gai nhọn. Một kiểu gai độc cứ đâm vào thịt da là thít chặt! Không nhổ ra kịp hay không dùng rượu xoa, lũ gai quái ác sẽ làm nạn nhân đau nhức đến phát sốt phát rét - để lần sau buộc chỉ cổ tay mà nhớ… kính nhi viễn chi, chớ có chọc ghẹo đến xương rồng! Chính thế mà – nơi các làng cát – xương rồng trở nên vô cùng lợi hại trong việc trồng rào chống trộm, phòng gian...

Có điều, cây “dữ dằn” thế nhưng hoa thì vẫn cứ hiền hậu, dễ thương như mọi loài hoa. Hoa xương rồng dại giống hoa quỳnh, hoa thanh long; nghĩa là nở về đêm. Ngày tôi - thằng bé di cư - lần đầu tiên bước chân về làng cát; nhìn lũ xương rồng xấu xí quắt queo, tua tủa gai chông đứng trần mình, dang lưng dưới trời nắng lửa; thú thật, tôi không thể nào hình dung rằng cây lại có thể… đơm hoa. Mà nói gì đến tôi, người bản địa – sinh ra, lớn lên nơi làng cát - còn hiếm có ai hay khi nào thì xương rồng đâm nụ!

Khó thấy, bởi nó cứ âm thầm chồi ra, âm thầm lớn trong lớp đài hoa xanh tiệp theo cái màu xanh của thân cây tưởng chừng bất động, ngủ yên qua bao đêm sương, ngày nắng. Để đến một đêm Hè tháng Sáu, qua khung cửa mở, bất chợt ta nghe ùa vào theo hơi gió biển một mùi hương đâu đây ngan ngát. Cái mùi hương mê hoặc đến khó tin kia cứ giục giã, gọi mời - khiến ta khó đỗi cầm lòng không mở cửa ra vườn hay ra ngõ mà lang thang tìm chút lãng du.

Và, bất chợt nhìn lên hàng rào cây xương rồng vươn cao sừng sững trong đêm, ta bắt gặp ngay cái màu trắng rợn, trắng lốp, trắng tinh khôi của những “nàng thiên nga” đang tung cánh hết cỡ mà xòe, mà phô cái dung nhan bí ẩn như thực như hư trong tĩnh lặng trời đêm.

Thêm vào một chút thính nhạy của đôi tai, ta sẽ dễ dàng nhận ra thanh âm náo động mơ hồ của vô vàn cánh bướm, cánh ong đêm đang sập sè trong đêm hội hoa - đêm hội mãn khai của loài hoa trên cát! Sự sống tiềm ẩn - khó thấy, khó nhận ra - nhưng cái mãnh liệt so với ban ngày lại không hề kém cạnh! Hoa xương rồng, ấy là cái đẹp ngủ quên khi con người thức giấc và thức giấc khi con người ngủ quên…

Bằng vào một đêm như thế, tôi, người khách lãng du lần đầu tiên được diện kiến xương - rồng - hoa; bắt đầu lờ mờ ngộ ra tính vô biên của đời sống (và cùng lúc cũng ngộ ra cái sở tri hữu hạn của kiếp người!). Ngộ ra để bớt đi kiêu mạn, thêm phần vị tha. Mà quả thật, tôi đã bắt đầu vị tha – nghĩa là không còn ghét bỏ loài cây chẳng mấy “dễ ưa” từ cái đêm mê hoặc cùng hương, cùng sắc của xương rồng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.