Đến trường nhờ lương bộ đội

GD&TĐ - Gia cảnh khó khăn, bản thân không thể tự đi lại được, những tưởng ước mơ đến trường của Trần Ái Hải Sơn (trú tại ấp 8, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, Bình Phước) sẽ phải dừng lại từ những năm tháng phổ thông.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Hòa đến thăm, động viên và trao kinh phí năm học 2021 - 2022 cho Sơn.	Ảnh: TG
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Hòa đến thăm, động viên và trao kinh phí năm học 2021 - 2022 cho Sơn. Ảnh: TG

Thế nhưng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Hòa (bộ đội Biên phòng Bình Phước), Sơn đã vượt qua khó khăn, tiếp tục bước vào giảng đường đại học, hoàn thành ước mơ của mình.

Chàng sinh viên khuyết tật được tiếp sức

Năm nay, Trần Ái Hải Sơn là sinh viên năm cuối Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Nhắc đến hoàn cảnh gia đình, Sơn chia sẻ: “Nhiễm chất độc da cam, sau bao nhiêu năm nằm một chỗ vì bệnh tật, cách đây 3 năm bố em qua đời. Bị di chứng từ bố nên em không thể tự đi lại được. Trong gia đình, ngoài em còn có chị và em gái. Chị cũng bị khuyết tật nằm một chỗ. Vì thế mà suốt những năm qua, một tay mẹ bươn chải kiếm tiền chăm lo cho từng thành viên trong gia đình”.

Từ khi học lớp 7 cho đến lúc bước vào giảng đường đại học, bên cạnh Sơn luôn có sự đồng hành của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Hòa. Chính sự hỗ trợ, giúp đỡ của những người lính Biên phòng, cùng với sự động viên của gia đình, bạn bè đã tiếp thêm ý chí, động lực để Sơn vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực học tập để thực hiện ước mơ của mình.

Hàng tháng, Đồn Biên phòng Thanh Hòa còn hỗ trợ Sơn 500 nghìn đồng và tặng sách vở, quần áo vào dịp đầu năm học mới. Nguồn kinh phí đó đã giúp gia đình Sơn vơi đi một phần khó khăn trong việc chăm lo cho em đến trường. Nói đến sự giúp đỡ ý nghĩa này, Sơn tâm sự: “Em thấy mình may mắn lắm! Bởi khi cha qua đời, em có thêm những người “cha nuôi” Biên phòng luôn đồng hành, động viên em vượt qua mọi khó khăn”.

Thiếu tá Lương Sơn - Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Thanh Hòa - cho biết: “Năm 2013, biết được hoàn cảnh gia đình Sơn thuộc diện đặc biệt khó khăn, để việc đến trường không bị dang dở, đơn vị đã quyết định nhận đỡ đầu đến khi cháu học hết cấp 3. Tuy nhiên, khi biết tin Sơn đỗ đại học, xét thấy hoàn cảnh gia đình khó có thể lo cho em học tiếp nên đơn vị đã quyết định nhận đỡ đầu cháu đến khi tốt nghiệp. Nguồn kinh phí hỗ trợ do cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tự nguyện đóng góp bằng việc trích từ khoản tiền lương hàng tháng”.

Mở cuốn sổ ghi chép của đơn vị, Thiếu tá Lương Sơn nói tiếp: “Những năm qua bên cạnh hỗ trợ 500 nghìn đồng mỗi tháng, chúng tôi thường xuyên giúp đỡ gia đình Sơn. Mỗi lần phối hợp với các nhà hảo tâm tổ chức chương trình thiện nguyện hướng về người nghèo trên địa bàn xã, đơn vị đều ưu tiên cho gia đình Sơn 1 suất quà. Đặc biệt, năm 2016 đơn vị hỗ trợ gia đình Sơn 1 con bò giống theo chương trình Bò giống cho người nghèo nơi biên giới. Đến nay, chú bò đã sinh sản được 4 con và phát triển rất khỏe mạnh. Đó chính là tài sản có giá trị, động lực giúp mẹ cháu Sơn tiếp tục làm ăn, phát triển kinh tế thoát khỏi cảnh nghèo khó hiện tại”.

Em Trần Ái Hải Sơn đã vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để thực hiện ước mơ đến trường của mình.
Em Trần Ái Hải Sơn đã vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để thực hiện ước mơ đến trường của mình.

Hiện thực hóa ước mơ

Những năm tháng khi còn học phổ thông, mặc dù bản thân bị tật nguyền nhưng được sự hỗ trợ của mẹ và bạn bè nên việc đến trường của Sơn không bị đứt đoạn. Thời điểm đó nhờ sự nỗ lực của bản thân, thành tích học tập của Sơn luôn đứng tốp đầu của lớp.

Sơn nói: “Nhà cách trường hơn 3 cây số, hôm nào không bận việc thì mẹ đưa em đến trường bằng xe đạp. Còn những ngày mẹ bận đi làm, các bạn cùng lớp lại đến đón em đến trường. Nếu phải nghỉ học một buổi em thấy tiếc lắm, sợ sẽ không cập nhật kịp kiến thức, ảnh hưởng đến thi đua của lớp. Mặc dù không phát triển về thể chất như những người bình thường nhưng được các chú bộ đội, thầy cô và bạn bè luôn quan tâm, giúp đỡ nên không khi nào em thấy buồn hay mặc cảm vì bản thân của mình cả”.

Thế rồi, những tháng cuối cấp 3 cũng đến, được sự tư vấn của thầy, cô giáo cũng như cán bộ Biên phòng, Sơn quyết định chọn thi và học ngành Công nghệ Thông tin. Đây cũng là lĩnh vực mà em đam mê, đồng thời là ngành mà em có thể tìm kiếm được công việc phù hợp với thể trạng cơ thể sau khi tốt nghiệp. Giờ đây trong thâm tâm Sơn luôn cảm ơn sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo và bạn bè hay những lời động viên của người mẹ đã tiếp thêm niềm tin và ý chí để bản thân vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt là sự quan tâm, hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Hòa đối với gia đình Sơn.

Ngồi bên cạnh con trai, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (sinh năm 1970), mẹ của Sơn, tâm sự: “Ngày con trai nhận giấy báo đỗ đại học, bản thân vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì đứa con trai đã đậu đúng ngành mong ước. Nhưng lo không biết lấy tiền đâu cho Sơn nhập học. Vả lại đối với người bình thường việc tự lập đã khó, với con trai lại vất vả hơn nhiều lần.

Bởi khi xuống TP Hồ Chí Minh, tự bản thân phải lo những sinh hoạt cá nhân vốn trước đó được chị lo toan tất cả, rồi ăn uống, đi học… không biết cuộc sống sẽ ra sao. May mắn sao, các chiến sĩ bộ đội Biên phòng biết được và hỗ trợ kinh phí hàng tháng đến khi cháu học ra trường. Rồi xuống học ở trường nghe cháu tâm sự luôn được nhà trường và các bạn của cháu hỗ trợ, giúp đỡ nên tôi thấy rất yên tâm và mừng lắm”.

Luôn bày tỏ lòng biết ơn sự hỗ trợ đầy ý nghĩa từ Chương trình “Nâng bước em tới trường” dành cho mình, chàng sinh viên năm cuối thổ lộ: “Từ sâu thẳm trái tim, em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các chú bộ đội. Mai này, khi ra trường, có việc làm, em sẽ dành dụm tiền để cùng các chú chăm lo cho những em nhỏ gia đình khó khăn có được tương lai tươi sáng chứ không luẩn quẩn trong khó nghèo. Em cũng hy vọng, Chương trình “Nâng bước em tới trường” của các chú bộ đội Biên phòng tiếp tục được nhân rộng để ngày càng có nhiều bạn học sinh nghèo, vùng dân tộc thiểu số có cơ hội học tập và theo đuổi ước mơ, hoài bão của mình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.