Đây là lứa học sinh thứ 4 được đón về trường để nuôi dạy.
Chuyện của Sa
Mấu Quốc Sa, cậu bé người Raglai (xã Bình Sơn, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) là một trong 100 thành viên mới của Trường nội trú Hy Vọng. Tết Nguyên đán 2021 là cái Tết buồn nhất của Sa. Giáp Tết, chị dâu của em đi cách ly tập trung, anh trai phải cách ly tại nhà vì Covid-19. Ngày 28 Tết, mẹ em phải đi bệnh viện cấp cứu. Mồng 2 Tết thì mẹ Sa mất, sau đó bệnh viện gửi tro cốt về nhà. Sa có 2 năm thui thủi một mình trong căn nhà gỗ trên núi. Nhớ mẹ thì khóc, có khi em đi ngủ với cái bụng lép kẹp.
Thầy Hoàng Quốc Quyền, Hiệu trưởng Trường nội trú Hy Vọng, kể: “Trong chuyến đi tuyển sinh tại Khánh Hòa, kết thúc buổi gặp mặt những học sinh có ba, mẹ mất vì Covid-19, tôi hỏi có bạn nào đến Hy Vọng với thầy không? Có vài cánh tay giơ lên, các em đang là những học sinh lớp 6, 7, 8. Riêng ở phía cuối hội trường, một cánh tay bé xíu xíu giơ lên đầy dứt khoát, chắc nịch. Không rụt rè”.
Từ Khánh Sơn, 2 anh em Mấu Quốc Sa dậy từ 4 giờ 30 phút sáng để kịp đến Nha Trang lúc 7 giờ 30 phút. Mấu Quốc Nhoanh, anh trai của Sa, mong em có cơ hội đi học để sau này đỡ khổ. Nhoanh biết chữ đủ để đọc những gì đơn giản, ghi được họ tên mình. Mẹ mất đi, Nhoanh xin phép gia đình nhà vợ không ở rể theo phong tục của người Raglai để được chăm sóc đứa em út bé dại.
Nhưng Nhoanh cũng phải đi làm ăn xa. Sa ở lại trong căn nhà gỗ cũ kỹ của mẹ để lại. Anh thứ hai còn nhỏ, cũng không biết lo liệu, chăm sóc em. Hai tháng đầu, chị dâu nói thế nào Sa cũng không chịu sang nhà anh chị ăn cơm, dù chỉ cách mấy bước chân. Chị dâu mỗi bữa đều phải mang thức ăn lên nhà cho Sa.
Kinh tế gia đình Nhoanh khó khăn, công việc không ổn định, lại có thêm con nhỏ. Thế nên, hành trang ra Đà Nẵng nhập học Trường nội trú Hy Vọng của Sa đều do các cô ở Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Khánh Sơn và tỉnh Khánh Hòa chăm chút, chuẩn bị. Anh chị chỉ đủ tiền để tiễn Sa xuống đến Nha Trang rồi để em một mình lên tàu, nhập chung đoàn với những trẻ mồ côi khác vì Covid-19 đến trường nội trú.
Những ngày đầu ở Trường nội trú Hy Vọng, Sa không ngủ được trên giường. Trằn trọc mãi, em ôm gối xuống ngủ ở sàn nhà vì “con quen ngủ ở dưới đất rồi. Ngủ ở giường con khó chịu lắm. Con nhớ cái nhà gỗ của con quá”. Sa dần thích nghi với môi trường mới, cũng ồ lên thích thú khi lần đầu được nghịch cát ở bờ biển, biết tự gấp chăn màn vuông vắn như các anh lớn cùng phòng.
Những học sinh mới gia nhập Trường nội trú Hy Vọng được các bạn hỗ trợ để nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. |
Rộng hơn những vòng tay yêu thương
Những học sinh mồ côi do Covid-19 được đón về mái nhà chung trong đợt thứ 4 này hầu hết đều do ông bà nội, ngoại đưa đến hoặc tự đi một mình. Thế nhưng, đến Hope, các em không hề đơn độc. Những lá thư, lời dặn dò và cả những tin tưởng của các Hopers F1, 2, 3 tới những thành viên mới chứa đầy sự yêu thương, quan tâm và sẻ chia. Thầy Quyền kể, trong đoàn học sinh đến từ TPHCM, có nhiều bạn gặp lại nhau sau hơn 2 năm xa cách. Có em gặp lại bạn học cũ từ thời tiểu học, THCS.
Em Trương Mỹ Vy viết một tờ giấy nhỏ gửi cô bé Bảo An, thành viên mới của phòng 827: “Chị biết em sẽ buồn vì nhớ nhà. Nhưng chị tin em có thể mạnh mẽ vượt qua. Thời gian sẽ đồng hành cùng em nên có gì không biết cứ mạnh dạn hỏi chị nhé. Điều quan trọng là phải vui vẻ. Chị tin em sẽ sớm hòa nhập!”.
Một thành viên của Trung đội Tiền Giang bày tỏ: “Mình biết là chúng ta sẽ ở với nhau lâu và thân thiết nhưng mình muốn chào đón bạn một cách nhiệt tình nhất”. Hay như em Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Mình là lứa F2. Một năm trước, mình bước vào ngôi trường này với sự lo lắng, hồi hộp. Rồi ngày qua ngày, mình dần quen với ngôi trường mới, kết thêm được nhiều bạn mới. Mình hy vọng bạn cũng vậy”.
Trường nội trú Hy Vọng được khởi xướng ý tưởng từ tháng 9/2021 bởi ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT. Ngôi trường là nơi dành cho trẻ em mồ côi cha, mẹ vì đại dịch Covid-19. Các em được tài trợ 100% chi phí ăn ở, học tập tại trường. Năm học 2023 – 2024 là năm học thứ hai, trường đi vào hoạt động.
Trong buổi lễ chào đón những đứa con đầu tiên về với ngôi nhà mới, ông Trương Gia Bình, chia sẻ, Hy Vọng là ngôi trường của tình yêu thương. Đó là tình yêu thương của các thầy cô, anh chị em trong trường, đại gia đình FPT và cả những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng.
“Bằng tình yêu, các thầy cô sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ để các con nên người. Hơn thế nữa, trường sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các con theo đuổi đam mê của mình, khoa học hay công nghệ, nghệ thuật hay thể thao, kinh tế hay xã hội”, ông Bình nhắn nhủ.
Thầy Hoàng Quốc Quyền chia sẻ, hai năm Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến các em nhỏ. Dù là F1, F2, F3 hay F4, trên hành trình mang những đứa trẻ ấy về trường, các thầy cô đều quặn thắt lòng với nhiều câu chuyện đáng thương đến xót xa. Có cậu bé 10 tuổi đã bỏ học, ở nhà vùi đầu vào game.
Có cậu bé tắt hẳn nụ cười, không nói chuyện với ai bởi chứng kiến cảnh cha tự vẫn sau cái chết đột ngột vì Covid-19 của mẹ. Có những em bỏ ngang chuyện học hành vì sang chấn tâm lý, vì điều kiện gia đình quá khó khăn… Trường nội trú Hy Vọng được lập ra để nuôi các con ăn học. Và hơn thế, đó là một gia đình lớn của các em, để cùng xoa dịu những nỗi đau và nhân lên nhiều hy vọng.