Đến thăm di tích nhà tù Sơn La

Đến thăm di tích nhà tù Sơn La

Bằng chế độ nhà tù cực kỳ hà khắc và những thủ đoạn tra tấn vô cùng hiểm ác, kẻ thù những tưởng sẽ tiêu diệt được tinh thần và thể xác của những chiến sĩ cách mạng, nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại! Và mùa thu 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vùng lên Tổng khởi nghĩa, lật đổ chế độ thực dân phong kiến, thành lập Nhà nước dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á...

Cây đào Tô Hiệu - Biểu tượng cho sự bất khuất của con người nơi đây
Cây đào Tô Hiệu - Biểu tượng cho sự bất khuất của con người nơi đây

Đưa tôi đi thăm Di tích lịch sử Quốc gia Nhà tù Sơn La vào một ngày chớm đầu hạ, anh Đinh Hữu Sanh - người gắn bó một đời với mảnh đất được mệnh danh là “thủ phủ vùng Tây Bắc”- cung cấp nhiều thông tin về “địa ngục trần gian” này. Tháng 10-1907, Sở Kiến trúc thuộc Nha công chính Bắc Kỳ hoàn chỉnh thiết kế mặt bằng Nhà tù Sơn La tại đồi Khau Cả. Và sau đó công sứ Gioăngmông Pêra đốc thúc thi công chỉ trong vòng một năm là xong. Thoạt đầu, Nhà tù Sơn La có diện tích 500m2, xây dựng bịt bùng bằng gạch và đá khá kiên cố, mái lợp tôn. Mùa hè, mỗi phòng giam là một cái lò nung bởi gió Lào tràn về; còn mùa đông, lại biến thành một ngăn tủ lạnh vì khí hậu giá rét nơi miền biên ải. Năm 1930, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân phát triển mạnh ở đồn điền Phú Riềng, Nhà máy dệt Nam Định, Nhà máy xe lửa Trường Thi và đỉnh cao là phong trào Xô Viết- Nghệ Tĩnh. Để có chỗ giam giữ những “tù nhân nguy hiểm”, thực dân Pháp mở rộng diện tích Nhà tù Sơn La gấp ba lần. Ngoài 5 nhà giam chính với 4 tháp canh, bọn chúng còn bí mật xây dựng hệ thống xà lim ngầm nằm sâu trong lòng đất gồm 5 phòng giam cá nhân và 2 phòng giam tập thể.

Với địa thế của một nơi “lam sơn chướng khí”, “rừng thiêng nước độc”, bệnh sốt rét luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng không chỉ đối với các tù nhân, mà còn đối với cả người dân sở tại. Chính vì vậy, trong một lá thư mật gửi cho Thống sứ Bắc Kỳ, Công sứ Sơn La Xanhpulôp đã viết: “... Xin ngài cứ tiếp tục gửi chính trị phạm lên Sơn La. Bọn này nếu ở Hỏa Lò là những hạng hung hăng khó trị thì rồi đây lên tới Sơn La, chỉ trong vòng sáu tháng thôi, vi trùng sốt rét sẽ làm cho chúng suy nhược và trở nên hiền hòa”. Đinh Hải Anh - cô gái Mường xinh đẹp, hướng dẫn viên Nhà tù Sơn La, kể: “Lúc bấy giờ, bọn chúng còn dùng những thủ đoạn dụ dỗ dân chúng rằng, ai lấy được đầu một tù nhân cộng sản trốn thoát sẽ được thưởng 20 đồng bạc trắng và 5 tạ muối. Bọn chúng răn đe tù nhân: “Đừng tìm cách trốn thoát, bởi thổ dân sẽ đem đầu các anh về để đổi lấy muối! ”, “Nếu ở Hỏa Lò các anh lo đối phó với chính phủ thì lên Sơn La các anh phải lo đối phó với sốt rét! ”... Chế độ tù đày ở chốn “địa ngục trần gian” khắc nghiệt đến mức tù nhân viết thành thơ mô tả: “Nằm bên nhà xác xa vài bước/ Ngửi cứt cầu tiêu suốt bốn mùa”. Và Nhà tù Sơn La được ví như “chiếc quan tài nắp mở, chỉ chờ tù nhân tắt thở đem chôn”!

Một góc nhà tù
Một góc nhà tù

Nhà tù Sơn La đã giam giữ tổng cộng 1.007 lượt tù nhân cộng sản, trong đó có nhiều đồng chí là Thành ủy, Xứ ủy, Trung ương ủy viên như Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Cơ Thạch, Xuân Thủy, Song Hào... Cuối năm 1935, với quyết tâm biến chốn tù đày thành nơi rèn luyện ý chí của người cộng sản, tổ chức “Hội đồng thống nhất” do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch được bí mật thành lập. Và bốn năm sau, Chi bộ lâm thời Nhà tù Sơn La được hình thành và đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Bí thư Chi bộ.

Hải Anh cho tôi biết, tổ chức Đảng được bí mật thành lập đã lãnh đạo các tù nhân ở Nhà tù Sơn La khôn khéo đấu tranh để không ra “Gốc Ổi”- có nghĩa là đấu tranh để sống trong hàng ngũ, để sống với Đảng, với cách mạng, không phải gửi nắm xương tàn nơi nghĩa địa Gốc Ổi. Rồi Chi bộ Nhà tù Sơn La bắt liên lạc với bên ngoài thông qua hộp thư “Cây đa bản Hẹo”. Nhiều quần chúng tốt được giác ngộ cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Tiêu biểu là Lò Văn Giá - một thanh niên người dân tộc Thái đã mưu trí dũng cảm dẫn đường cho đoàn tù vượt ngục thành công. Hoạt động của Chi bộ Nhà tù Sơn La gắn liền với tên tuổi của nhiều đảng viên cộng sản trung kiên, nổi bật nhất là vai trò của đồng chí Tô Hiệu. Vì bị bệnh lao phổi nặng, làm Bí thư Chi bộ Nhà tù Sơn La trong một thời gian ngắn, nhưng đồng chí Tô Hiệu đã xóa bỏ chủ trương “cấm vượt ngục” của Chi bộ sau cuộc trốn thoát thất bại của hai đồng chí Đàm Văn Lý và Đàm Văn Sàng. Bởi lẽ, vượt ngục ra ngoài là nhiệm vụ cấp bách nhằm “cung cấp cán bộ” cho phong trào cách mạng đang lên. chi bộ bí mật ra Báo Suối Reo, công khai tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ ngay trong nhà tù để tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng cho binh lính và vợ con họ.

Mở rộng Nhà tù Sơn La lần thứ ba với diện tích trên 2.170m2, nhưng vẫn không đủ chỗ giam giữ các tù nhân từ dưới xuôi chuyển lên, năm 1941, tên Thống sứ Bắc Kỳ ra lệnh xây dựng thêm nhà giam mới với diện tích gần 4.000m2 ở sát bên cạnh Nhà tù Sơn La. Và bọn chúng ước tính phải cần tới ba vạn ngày công của tù nhân làm lụng cật lực trong vòng hai năm. Lúc bấy giờ Chi bộ Nhà tù Sơn La đã phát triển mạnh. Và chi bộ chủ trương “tương kế tựu kế” để phá hoại kế hoạch xây dựng nhà giam mới của kẻ thù bằng cách vận động các tù nhân thực hiện lãn công, làm ẩu, làm sai quy trình kỹ thuật. Khi phát hiện thiết kế nhà giam mới có sai sót là không làm hệ thống thoát nước, các tù nhân im lặng bỏ qua. Và vì vậy, công trình bị sụp đổ hoàn toàn khi vừa xây xong. Tháng 3-1945. Nhật hất cẳng Pháp. Giám ngục Lơpông cho di chuyển toàn bộ tù nhân ở Nhà tù Sơn La sang Nhà tù Nghĩa Lộ. Giữa đường, hay tin các tù nhân ở Nhà tù Nghĩa Lộ đã nổi dậy phá ngục thành công, bọn lính áp giải hoang mang cực độ. Chi bộ cảm hóa, thuyết phục được họ và tổ chức cho 200 tù nhân là cán bộ đảng viên cốt cán của Đảng nhanh chóng tỏa về các địa phương lãnh đạo phong trào cách mạng để rồi sau đó góp phần làm cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi vang dội...

Hải Anh bảo với tôi: “Sở dĩ Nhà tù Sơn La hiện nay chỉ còn là một bãi gạch đá tan hoang vì trải qua hai trận đánh phá bằng bom của giặc. Lần thứ nhất vào năm 1952. Khi rút khỏi Sơn La, thực dân Pháp cho máy bay thả bom phá nhà tù nhằm xóa dấu vết bao tội ác “trời không dung đất không tha” do bọn chúng gây ra ở “địa ngục trần gian”. Lần thứ hai vào năm 1965. Đế quốc Mỹ đánh phá thị xã Sơn La đã thả bom phá hủy phần còn lại của Nhà tù Sơn La...”. Và sau ngày nước nhà hòa bình thống nhất, Bảo tàng Sơn La mới có điều kiện phục chế lại hai tháp canh và một phần nhà tù, còn để nguyên trạng vì không sưu tầm được hồ sơ thiết kế, bản vẽ chi tiết... Đến thăm Nhà tù Sơn La một ngày chớm thu, tôi nghĩ để nguyên trạng như hiện nay có khi lại hóa hay. Bởi du khách trong và ngoài nước đến với nơi đây, ngắm nhìn quang cảnh không những hình dung được “địa ngục trần gian” ngày ấy, mà còn hiểu rõ hơn bản chất của thực dân xâm lược khi cố tìm mọi cách để xóa sạch dấu vết tội ác do bọn chúng gây ra! Và qua đó, chúng ta càng thêm biết ơn bao người đã ngã xuống vì độc lập tự do cho Tổ quốc...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về những người tù cộng sản bị giam cầm tại Nhà tù Sơn La: “Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó lại chứng tỏ rằng, chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn cản được bước tiến của cách mạng. Mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn”. (Trích bảng ghi tại Phòng trưng bày hiện vật lịch sử tại Nhà tù Sơn La).

Giang Vương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ