Cuộc xung đột đầu tiên của năm 2022 đã nổ ra và cũng là câu trả lời của Nga sau nhiều năm tìm cách khẳng định vị thế toàn cầu của mình.
Sau tuyên bố trên, quân đội Nga đổ bộ hai cảng lớn trên Biển Đen của Ukraine là Odessa và Mariupol, đồng thời những tiếng nổ cũng được nghe thấy tại thủ đô Kiev và thành phố Kharkov. Ngay sau đó, thị trường tài chính toàn cầu lập tức chao đảo, giá vàng tăng thẳng đứng, giá dầu mỏ lần đầu tiên vượt mốc 100 USD/thùng kể từ năm 2014, trong khi nhà đầu tư tháo chạy khỏi các thị trường chứng khoán.
Những động thái quân sự lẫn phản ứng thị trường này đều không phải quá bất ngờ, vì đều đã được các nhà quan sát, giới phân tích đưa ra dự báo từ nhiều ngày trước. Chỉ có một điều có thể khiến nhiều người bất ngờ là các quyết định mạnh tay và dồn dập của Tổng thống Nga Putin đưa ra những ngày qua.
Nhưng đây chính là một phần nằm trong lộ trình tái khẳng định vị thế cường quốc của Nga trên trường quốc tế trong nhiều năm qua. Trước đó, tình hình bắt đầu căng thẳng khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tung ra lực lượng khổng lồ áp sát tất cả các đường biên giới giáp với Ukraine, bất chấp sự phản đối của cả Ukraine lẫn phương Tây.
Ngay lập tức, Mỹ, EU và NATO tuyên bố nếu Nga động binh với Ukraine sẽ hứng chịu những màn trừng phạt chưa từng thấy, đặc biệt là về kinh tế. Tổng thống Mỹ Joe Biden là tiếng nói phản đối mạnh mẽ nhất, với liên tục các tuyên bố chỉ trích Nga chuẩn bị “xâm lược” Ukraine bằng chiến dịch quân sự vô cớ.
Bất chấp sức ép quốc tế và sự phản đối từ nhiều nước châu Âu, nước Nga do ông Vladimir Putin lãnh đạo vẫn có những bước đi thách thức sự trừng phạt kinh tế của phương Tây. Sau khi ra sắc lệnh công nhận hai nhà nước ly khai tự xưng ở miền Đông Ukraine là Donetsk và Luhanks ít ngày, Tổng thống Nga thực hiện tiếp bước đi đỉnh điểm căng thẳng là phát động một chiến dịch quân sự vào Ukraine.
Động thái này là bằng chứng cho thấy nước Nga đang làm mọi cách để tái khẳng định vị thế lãnh đạo toàn cầu của mình và thách thức vai trò của nước Mỹ. Đồng thời, đây là cách mà Nga thể hiện mạnh tay nhất trong việc yêu cầu phương Tây tái cấu trúc an ninh châu Âu vốn tồn tại từ sau Chiến tranh Lạnh. Theo đó, Nga không muốn bất cứ nước nào giáp biên giới với Nga có thể gia nhập khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Gruzia năm 2008 dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mikhail Saakashvili cũng từng ngả sang phương Tây, muốn biến Gruzia thành tiền đồn chống Nga ở châu Âu và lật đổ ảnh hưởng của Moscow tại khu vực Caucasus. Nhưng kết quả là một cuộc chiến tranh chớp nhoáng 5 ngày với Nga đã khiến Gruzia thất bại nặng nề, mất luôn vùng đất ly khai Nam Ossitia và Abkhazia do được Nga công nhận độc lập.
Những gì xảy ra ở Gruzia 14 năm trước dường như đang lặp lại ở Ukraine, chỉ có các bước đi hơi khác một chút. Tại Gruzia, Nga tham chiến xong mới công nhận độc lập cho hai vùng đất ly khai ở Gruzia. Còn ở Ukraine thì Nga công nhận độc lập với hai vùng đất ly khai ở Đông Ukraine xong mới phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine vốn đang ngả sang phương Tây.
Những diễn biến hiện nay ở Ukraine lại tiếp tục là một cơn đau đầu với phương Tây, đặc biệt là Mỹ và NATO. Họ sẽ phải cân nhắc mức độ can thiệp trừng phạt Nga như thế nào để không nổ ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn, trong khi có thể kìm hãm tham vọng tái khẳng định vị thế toàn cầu của nước Nga do ông Vladimir Putin dẫn dắt.