Đến lượt Đài Loan đóng cửa trường học

GD&TĐ - Làn sóng đóng cửa trường học bắt đầu xuất hiện ở Đài Loan do tỷ lệ sinh thấp. Các trường tư thục là những nạn nhân đầu tiên.

Một giờ học của học sinh phổ thông tại Đài Loan, Trung Quốc.
Một giờ học của học sinh phổ thông tại Đài Loan, Trung Quốc.

Trong sân Trường Trung học tư thục Chung Hsing, Đài Loan, Trung Quốc, bàn ghế và những vật dụng bỏ đi chất cao như núi. Trường nằm ở trung tâm thủ phủ Đài Bắc đã đóng cửa từ năm 2019 do không thể duy trì hoạt động vì tuyển sinh thấp.

Ngôi trường là “nạn nhân” đầu tiên cho vấn đề thiếu tuyển sinh đang lan rộng khắp các cơ sở giáo dục Đài Loan. Nhiều thập kỷ tỷ lệ sinh giảm cho đến nay, số lượng học sinh Đài Loan giảm mạnh, không thể lấp đầy các lớp học.

Ước tính, hàng chục trường tư đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa, nhiều trường phải “kêu cứu” với chính quyền. Ông Wu Chun-chung, Chủ tịch Liên minh các nhà giáo dục trường tư thục, nói rằng ông dự kiến 40 – 50 trường đại học tư thục đóng cửa vào năm 2028.

Từ năm 2011 – 2021, số lượng học sinh tiểu học và THCS tại Đài Loan đã giảm từ 2,3 triệu xuống dưới 1,8 triệu. Các trường tư, vốn không được ưa chuộng như trường công, sẽ đóng cửa trước.

Ông Chou Ping, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Đài Loan, cho biết các trường đại học công lập chưa phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa ngay lập tức nhưng những trường ở ngoại ô, nhất là những trường có thứ hạng thấp hoặc những trường tập trung vào khoa học nhân văn thay vì khoa học tự nhiên, có nguy cơ đóng cửa cao hơn.

Chính quyền Đài Loan đã áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính hoặc thay đổi quy định để khuyến khích người dân sinh nhiều con hơn. Tuy nhiên, nhiều người phản đối vì lý do như chi phí sinh hoạt tăng cao, áp lực đè nặng lên phụ nữ, khó cân bằng gia đình và sự nghiệp...

Trên thực tế, mức lương tại Đài Loan tương đối thấp còn nhà ở thì đắt đỏ. Năm 2024, Đài Bắc được bình chọn là thành phố đắt đỏ thứ 2 thế giới, sau Hồng Kông, nếu so sánh giá nhà với thu nhập trung bình. Những khu vực có tỷ lệ sinh cao ở Đài Loan thường có chi phí sinh hoạt thấp hơn. Thành phố Zhubei là một ví dụ.

Ông Fu Jie-lin, Giám đốc phụ trách các vấn đề học thuật tại Trường Tiểu học Jiafeng, Zhubei, cho biết, nhiều trường THCS ở Zhubei rơi vào tình trạng quá tải. Phụ huynh lo lắng về tuyển sinh đến mức họ cố gắng đăng ký cho con từ khi chúng còn là trẻ sơ sinh. Các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin dự đoán đến năm 2027, thành phố này sẽ thừa một nghìn chỉ tiêu.

Tuy nhiên, ngay cả ở Zhubei, bùng nổ dân số cũng đang chậm lại. Nhưng nhiều chuyên gia nhận định đây không phải xu hướng tiêu cực.

“Quy mô trường học vẫn giữ nguyên và với ít học sinh hơn, môi trường giảng dạy sẽ tốt hơn. Học sinh có nhiều cơ hội được phát triển hơn”, ông Jie-lin nói.

Về phần các cơ sở giáo dục đại học tư thục gặp khó khăn có thể sáp nhập với các trường công lập thay vì đóng cửa hoặc bán lại. Đây có thể là cơ hội tốt cho lĩnh vực giáo dục đại học Đài Loan.

“Nếu chúng ta chi nhiều hơn cho giáo dục công, chúng ta có thể hỗ trợ nhiều học sinh thu nhập thấp và chất lượng giáo dục sẽ được cải thiện”, ông Chou Ping nói.

Ông Chou Ping phân tích, Đài Loan thiếu kinh phí cho các trường đại học công lập nên các cơ sở không được đầu tư, dẫn đến tình trạng tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cao hơn so với mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Do đó, sau sáp nhập, các trường có thể mở rộng khuôn viên, thu hẹp lớp học.

Theo TG

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Ngày xưa đi học

GD&TĐ - Chỉ nghĩ thôi mà những kỷ niệm ngày xưa ùa về. Trong thoáng chốc, dường như tôi thấy mình là một cô gái nhỏ ngày đầu được mẹ dắt đến trường...