Đèn tạo nguồn sáng gần tự nhiên
TS Vũ Ngọc Hải, Trường Đại học Phenikaa cho biết, sau hàng chục năm hoàn thiện công nghệ, hiện tại công nghệ chiếu sáng LED đã bước vào giai đoạn cạnh tranh về chất lượng ánh sáng với những yêu cầu kỹ thuật mới, không chỉ phản ánh trung thực và sinh động màu sắc đặc biệt mà còn đáp ứng các cảm nhận thị giác và phi thị giác của con người (cảm nhận liên quan đến sức khỏe và tâm sinh lý).
Những mục tiêu mới của ngành chiếu sáng là phát triển các công nghệ có khả năng tác động và điều chỉnh thích ứng với nhịp sinh học của con người.
Nắm bắt xu hướng này từ một vài năm trước, các nhà khoa học tại Tập đoàn Phenikaa đã nghiên cứu tổng thể và hệ thống về quang phổ Mặt trời, phổ ánh sáng truyền trực tiếp và tán xạ trên thảm thực vật ở các môi trường khác nhau để tối ưu các thông số của đèn LED cho các môi trường, không gian và ứng dụng khác nhau.
Một trong những kết quả mà họ đạt được là phát triển thành công công nghệ chiếu sáng tự nhiên “Phenikaa Natural TrueCircadian” có thể tạo ra được những nguồn sáng chất lượng đáp ứng được những yêu cầu này.
“Công nghệ chiếu sáng tự nhiên – Phenikaa Natural TrueCircadian” cho phép tạo ra các nguồn sáng, vùng phổ ánh sáng sinh học được tăng cường và tối ưu cho sự hấp thụ của mắt người, thông cáo viết. Công nghệ do các nhà khoa học Trường Đại học Phenikaa, các kỹ sư Công ty Cổ phần Điện tử Phenikaa và các chuyên gia chiếu sáng thuộc Tập đoàn Phenikaa chủ trì nghiên cứu phát triển.
Để tạo ra được những nguồn sáng chất lượng cao, tái tạo tốt nhất ánh sáng mặt trời tự nhiên, đồng thời có tác động tích cực lên nhịp sinh học và sức khỏe con người, các nhà khoa học đã nghiên cứu về quang phổ Mặt trời, sự tiến hóa của loài người gắn với bìa rừng và đồng cỏ, phổ ánh sáng truyền trực tiếp và tán xạ trên thảm thực vật ở các môi trường khác nhau (trên đồng cỏ, bìa rừng, dưới tán cây...).
Chỉ số này được tối ưu bằng các thông số và ứng dụng vào sản xuất chip đèn LED. Nhóm nghiên cứu đã thiết kế, chế tạo thành công chip LED xanh lục lam (Cyan LED) phát xạ trong vùng bước sóng 460 - 500 nm.
Đây là vùng ánh sáng sinh học (Malanopic light) hấp thụ bởi tế bào hạch võng mạc nhạy quang (ipRGC) - là tế bào có chức năng điều tiết nhịp sinh học của con người. Việc tạo được chip LED xanh lục lam giúp giải quyết điểm hạn chế tồn tại nhiều năm trong phổ ánh sáng của đèn LED thông thường, đó là vùng lõm trong dải bước sóng 460470 - 500 nm. Đây được xem là nguyên nhân chính làm giảm chỉ số chất lượng ánh sáng của các nguồn sáng.
Xây dựng hệ đèn LED mới
Nhóm nghiên cứu hi vọng, việc tạo ra LED xanh lục lam, LED xanh lá cây, LED xanh da trời và quy trình chế tạo LED xanh da trời, đèn LED trắng xanh lá cây, đèn LED HCL (Human Centric Lighting – chiếu sáng lấy con người làm trung tâm), đèn LED phát xạ ánh sáng mô phỏng ánh sáng tự nhiên ban ngày theo phương ngang (Horizontal Sunlight) sẽ góp phần tạo ra một thế hệ đèn LED hoàn toàn mới: Có hệ số hoàn màu cao nhất đạt CRI 95/100, chỉ số R9 cao nhất đạt 95/100, chỉ số tác động sinh học M/P cao nhất đạt 1,18 (giá trị thuộc nhóm cao nhất trên thế giới hiện nay).
Ưu điểm nổi bật trong sản phẩm đèn chiếu sáng Phenikaa là đạt đồng thời giá trị cao cho cả 4 chỉ số quan trọng của nguồn sáng: Hiệu suất cao, chất lượng ánh sáng cao (CRI, R9 cao), chỉ số tác động sinh học cao (M/P cao), qua đó giải quyết được nghịch lý “hiệu suất chiếu sáng giảm khi chất lượng ánh sáng tăng” trong công nghệ chiếu sáng LED.
Các thiết bị chiếu sáng thông minh vì sức khỏe con người dựa trên công nghệ Phenikaa Natural TrueCircadian Technology dự kiến sẽ được đưa vào sản xuất tại Nhà máy điện tử thông minh Phenikaa ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - nơi được đầu tư đồng bộ từ khâu nghiên cứu phát triển, thí nghiệm, kiểm định đến hệ thống sản xuất thông minh và quản trị thông minh, bao gồm cả công đoạn đóng gói chíp và sản xuất vật liệu quang phục vụ đóng gói chíp, để sản xuất các thiếu bị chiếu sáng, cũng như các vi mạch điện tử, rô-bốt thông minh, các thiết bị điện tử thông minh…