Bảo vệ động vật biển bằng ánh sáng đèn led gắn vào ngư cụ

GD&TĐ - Các nhà khoa học cho biết, biện pháp gắn đèn led sẽ giúp giảm 64% lượng rùa biển đi vào khu vực giăng lưới rê. 

Bảo vệ động vật biển bằng  ánh sáng đèn led gắn vào ngư cụ

Với chi phí triển khai không quá đắt, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp nên cách làm này có thể dễ dàng được triển khai tại nhiều nơi trên thế giới, hứa hẹn sẽ giúp bảo vệ được không gian riêng loài rùa biển mà còn nhiều loài sinh vật biển khác vốn đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như cá heo, cá voi...

Theo thống kê, mỗi năm có hàng ngàn con rùa biển bị giết chết do mắc phải lưới đánh bắt cá. Trớ trêu thay phần lớn đều đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Và trong quá trình tìm cách giải quyết tình trạng này, các nhà khoa học tại Đại học Exeter đã phát hiện ra đèn led xanh lá có tác dụng xua đuổi rùa biển đi nơi khác nhưng không ảnh hưởng tới năng suất đánh bắt cá.

Qua nghiên cứu, họ kết luận rằng đèn led xanh lá chẳng những không tốn nhiều năng lượng nhưng lại có thể ngăn chặn 64% nguy cơ rùa biển bị mắc vào trong lưới rê. Đây là lưới được giăng ngang dưới đáy biển như lưới sân tennis, bắt dính đầu cá lại nhưng phần thân vẫn còn bên ngoài và không chỉ bắt được cá mà rùa biển cũng thường xuyên là nạn nhân của kỹ thuật đánh bắt này.

Khi rùa biển bị mắc lưới, chúng có thể bị dìm chết. Thậm chí khi chúng có thể tự thoát ra được và ngoi lên mặt nước thì cũng bị thương nghiêm trọng do các sợi lưới nylon có thể cắt vào trong những phần mô mềm trên cổ và vây. Tuy nhiên, việc dùng đèn led xanh lá vào lưới thì điều đó có thể được hạn chế đáng kể. Nhóm nghiên cứu cho biết mỗi chiếc đèn có giá chỉ khoảng 2 đô la và theo ước tính, cứ dùng 34 đô là có thể cứu được 1 con rùa. Đồng thời, nếu áp dụng trên quy mô lớn thì chi phí sẽ còn tiếp tục giảm xuống.

Để thử nghiệm hiệu quả cách làm này, các nhà khoa học đã trang bị đèn led cho 114 cặp lưới rê dùng ở ngoài khơi biển Peru. Mỗi 9,75 mét được lắp một bóng led và kéo dài suốt đoạn lưới dài 500 mét. Kết quả cho thấy những tấm lưới không có đèn sẽ bắt được 125 con rùa, trong khi lưới có đèn chỉ bắt được 64 con. Hiện họ vẫn chưa biết chính xác tại sao đèn led xanh lại có hiệu quả đuổi rùa biển nhưng họ cho rằng có thể, ánh sáng sẽ giúp rùa nhìn được lưới và đi nơi khác. Thú vị hơn, cách làm này không hề ảnh hưởng tới những con cá mà cư dân tại đây muốn đánh bắt.

Jeffrey Mangel, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng việc giảm lượng đánh bắt bycatch, đặc biệt là bằng lưới rê, có thể giúp kiểm soát và phục hồi quần thể rùa biển dưới đại dương”. Được biết các nhà khoa học cùng các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã thường dùng từ “bycatch” để diễn tả những loài động vật vô tình bị bắt bằng nhiều phương pháp đánh bắt cá khác nhau.

Nhóm nghiên cứu cho biết sắp tới họ sẽ tiến hành thử nghiệm thêm nhiều loại màu đèn led khác nhau nhằm khảo sát mức độ hiệu quả của từng màu, đồng thời khảo sát xem có thể dùng để bảo vệ những loài sinh vật biển khác như cá heo, cá voi, chim biển... hay không. Mặt khác, họ tin rằng cũng bằng cách dùng đèn led có thể giúp ngư dân tăng cường năng suất đánh bắt loại cá cần thiết nhưng vẫn đảm bảo bảo vệ môi trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ