Nhưng để hiểu kỹ hơn về trang facebook “nhái” của IS, có lẽ cần bắt đầu từ... Lệ Rơi. Chàng nông dân ở Hải Dương có một dạo nổi tiếng trên mạng vì hát dở. Sự nổi tiếng rất mong manh và đáng ngờ về giá trị. Sau một thời gian tham gia showbiz, mở quán xá, bây giờ anh đã quay trở lại làm anh Nguyễn Đức Hậu, một người nông dân bình thường đi bán ổi. Ấy thế mà ở giai đoạn Lệ Rơi đang nổi, anh ta cũng có facebook “nhái”. Rất nhiều facebook “nhái” Lệ Rơi.
Có lẽ không một thứ gì không thể trở thành công cụ để người ta thu hút sự chú ý.
Tại sao những thứ vô nghĩa này lại tồn tại? Bởi vì chúng ta đang có một xã hội tôn vinh sự vô nghĩa. Hát dở tất nhiên không phải thứ để tôn vinh, nhưng Lệ Rơi đã được tôn vinh một cách công khai. IS tất nhiên không phải chuyện để đùa, nhưng nó vẫn sẽ được lôi ra làm trò đùa.
Giới trẻ rất cần sự chú ý. Môi trường mạng mang lại cho họ khả năng thu hút sự chú ý. Nhiều bạn sẽ nghiện điều đó, nói nôm na là tìm mọi cách để “câu like”. Nhưng “câu like” như thế nào lại là một vấn đề của văn hóa.
Người ta hoàn toàn có thể “câu like” bằng những thủ pháp trí tuệ và có giá trị xã hội. Ví dụ như một anh chàng tên là Josh Paper Lin, ở Mỹ, chuyên làm các trò lừa đảo để thu hút sự chú ý. Ví dụ, Lin đóng giả người ăn xin để xem phục vụ quán đối xử với mình ra sao, rồi lúc sau anh ta quay lại trên một chiếc xe Ferrari để chứng kiến sự thay đổi trong thái độ của chính những người ấy.
Những video của anh ta được rất nhiều người xem. Về cơ bản, không thể nói rằng Josh Paper Lin không thích sự chú ý, không “câu like”. Nhưng điều đó chẳng sai trái gì, khi anh ta tạo ra những thông điệp rất nhân văn. Ở đó, thứ được tôn vinh là giá trị.
Nhưng ở nước ta, sự ngớ ngẩn cũng có thể thu hút rất nhiều sự chú ý. Rất thường xuyên, một cô gái xinh đẹp nào đó lên mạng và chửi nhau tay đôi với tình địch, với “con cướp chồng bà”, hoặc tố cáo người chồng bạc tình. Ngay lập tức chuyện đó trở nên nổi tiếng, và được bàn tán xôn xao khắp mọi nơi, thu hút hàng vạn lượt “thích”. Thậm chí, đã có cả những cô vốn chỉ là vợ-cũ-của-em-trai-của-một-ca-sĩ trở nên vô cùng nổi tiếng và kinh doanh phát đạt nhờ vào sự chú ý kiểu này.
Rất ít người cưỡng lại được mong muốn nổi tiếng. Và bản thân sự nổi tiếng không gây hại gì cho xã hội, nếu không muốn nói là có thể tạo ra hiệu ứng tích cực. Nhưng mà ở nước ta, sự nổi tiếng dường như đang được cho đi một cách hết sức dễ dàng.
Sự phù phiếm lên ngôi. Sự nhảm nhí bỗng nhiên trở thành giá trị. Và lập một facebook giả của IS để có sự chú ý, không phải điều gì nằm ngoài quy luật. Nó cùng quy luật với việc lập facebook nhái của Lệ Rơi, việc các bạn trẻ đổ xô vào facebook của Bill Gates và hô lên: “Ai dùng Windows lậu thì giơ tay”. Ngay lập tức có hàng trăm lượt thích. Có còn gì là giá trị đâu?
Tất nhiên, để chống lại cái trào lưu nhảm nhí này, phải đặt câu hỏi rằng thế những người tạo ra chân giá trị cho giới trẻ, các nhà sản xuất văn hóa hay trả lời phỏng vấn trên báo, bây giờ đang làm gì?