Đem nghề đúc đồng đi khắp Việt Nam

GD&TĐ - Làng Đại Bái (Gia Bình - Bắc Ninh) từ xưa đã nổi tiếng với nghề đúc đồng. Nơi đây đã sản sinh ra những người thợ tài năng, tâm huyết.

Thợ đúc đồng Đại Bái thực hiện một cuộc đúc chuông cỡ lớn.
Thợ đúc đồng Đại Bái thực hiện một cuộc đúc chuông cỡ lớn.

Không dừng lại ở việc gìn giữ nghề tổ, họ còn đem “nghề làng mình” truyền thụ khắp nơi.

Nhờ sự tham gia “đứng lớp” của các nghệ nhân làng đúc đồng Đại Bái mà nghề này có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Nhiều người nói rằng, nghệ nhân nhẽ ra phải giấu nghề, chỉ truyền dạy cho con cháu để giữ lấy nghề cổ. Nhưng người Đại Bái lại có cách nghĩ khác để bảo tồn và phát triển nghề cha ông.

Không giấu nghề

Một trong những nghệ nhân nổi tiếng của làng đúc đồng Đại Bái là ông Nguyễn Tấn Thỉnh. Dù đã cao tuổi, nhưng ông Thỉnh vẫn rong ruổi đến khắp mọi miền đất nước truyền thụ nghề đúc đồng. Từ đình, chùa, miếu mạo cho đến các công trình lớn của quốc gia đều có dấu tay của ông và những người thợ tài hoa làng Đại Bái.

Ông Thỉnh nói rằng, đến giờ phút này thì không thể nhớ mình đã làm ra bao nhiêu sản phẩm đồng. Nhưng những công trình lớn, ý nghĩa thì lại nhớ như in. Ví như 1.000 chiếc chuông lớn, nhỏ trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, tượng Phật hoàng ở Yên Tử, tượng lớn nhất Đông Nam Á ở Trung tâm Phật giáo tỉnh Nam Định, tượng cụ Đề Thám ở Cầu Hồ, tượng Bác Hồ...

Ông Thỉnh cho biết, ngay từ nhỏ đã được làm quen với nghề đúc đồng. Nhờ sáng dạ, ham học hỏi và đam mê, ông trở thành người có tay nghề giỏi. Với ông, làm nghề không đơn thuần chỉ để mưu sinh. Điều quan trọng nhất là giữ gìn và phát triển nghề cha ông. Có làm được vậy thì mới không phụ công ơn của tổ nghề.

Chính vì nhẽ đó, ngoài việc rèn luyện tay nghề, ông Thỉnh còn đi truyền dạy nghề đúc đồng khắp các địa phương trên cả nước. Từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn, chỗ nào có người muốn theo học là ông đều truyền dạy. Hằng năm, ông nhận dạy nghề miễn phí và tạo nơi ăn chốn ở cho hàng trăm lao động, chủ yếu là những người ở các làng quê không có nghề nghiệp.

Vì sự tận tình sẵn lòng chia sẻ nghề cho người khác, nên từ năm 2010, ông Thỉnh được giao tham gia Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”. Sau 10 năm “đứng lớp” tại các tỉnh, thành, nhiều học viên đã thành những người thợ đúc đồng lành nghề. Họ mở cơ sở đúc đồng truyền thống khắp trong Nam ngoài Bắc.

Trước khi truyền nghề cho thanh niên nông thôn, chính giáo trình mà ông Thỉnh viết đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các ngành liên quan phê duyệt. Trong bộ giáo trình này, toàn bộ bí quyết được ông viết ra, không giấu giếm bất cứ kỹ thuật nào.

“Sau thời gian dài dạy nghề, các học viên người Huế làm cực tốt. Điều đáng mừng là sau đó, vùng đất cố đô đã hình thành đội ngũ đúc đồng có tay nghề cao, không kém thợ đồng Đại Bái”, nghệ nhân Nguyễn Tấn Thỉnh cho hay.

Ở Đại Bái, từ người già đến trẻ em đều biết thực hiện các công đoạn đúc đồng.

Ở Đại Bái, từ người già đến trẻ em đều biết thực hiện các công đoạn đúc đồng.

“Giữ lửa” kỹ thuật nghìn năm

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Thỉnh hoàn thiện chuông đồng tại một ngôi chùa.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Thỉnh hoàn thiện chuông đồng tại một ngôi chùa.

“Từ xa xưa có câu ca truyền rằng “Muốn ăn cơm trắng cá trôi/Thì về Đại Bái đánh nồi với anh”. Câu ca phần nào thể hiện sự no ấm, sung túc mà nghề đem lại. Ngày nay, thế đúc đồng đã phát triển mạnh mẽ hơn, được nhiều nước biết tới. Tuy nhiên, vì thế mà người thợ đúc đồng cũng phải rèn luyện tay nghề ở mức cao hơn, nắm bắt cơ hội thực hiện những tác phẩm mang tầm ảnh hưởng rộng rãi hơn” - Nghệ nhân Nguyễn Tấn Thỉnh. 

Ở Đại Bái, một người không kém tên tuổi so với ông Thỉnh là nghệ nhân Nguyễn Tấn Đích. Với kinh nghiệm trên 50 năm làm nghề, ông Đích được người làng nể trọng bởi nắm giữ nhiều bí quyết truyền thống.

Những sản phẩm đồng do ông Đích đúc đều là hàng thủ công mỹ nghệ, lưu niệm, các sản phẩm trưng bày tại các bảo tàng, nơi thờ cúng tâm linh, di tích lịch sử văn hóa.

Có thể kể đến các tác phẩm tiêu biểu tự tay ông thực hiện: Bộ đỉnh   Hạc hoa văn lối cổ cao 2,35m, nặng 1,2 tấn; Chiếu dời đô bằng chữ Hán tặng TP Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Các tác phẩm hoành phi câu đối, lư đồng cuốn thư, đỉnh thờ khảm tam khí, tranh tứ quý trạm thúc…

“Người đúc đồng giỏi phải cho ra được các sản phẩm tinh xảo. Ngoài khuôn đúc, nghệ nhân phải có bí quyết, phải có sự tính toán để đạt độ chuẩn xác cao, từ khâu pha trộn hợp kim, nung chảy đồng, rồi rót đồng vào khuôn mẫu”, ông Đích chia sẻ.

Còn theo nghệ nhân Nguyễn Văn Lục, để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn. Người thợ buộc phải có kinh nghiệm, thành thục nhiều kỹ thuật khó như tạo hình, tạo khuôn đúc đồng, pha chế, nấu đồng và rót đồng, chạm khắc. Tất cả các công đoạn đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ vì nó quyết định việc tạo ra cái “hồn” cho sản phẩm truyền thống.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Lục, người đầu tiên của Đại Bái được vinh danh “Bàn tay vàng” cho hay, để đục chạm vào chất liệu đồng, đòi hỏi sự khéo léo về hình họa. Đường nét chạm phải mềm mại và uyển chuyển theo khối tròn.

Sau đó còn việc khảm những lá vàng, sợi bạc vào những rãnh đục tạo hình trên bình quả là sự kỳ công. Đây là công việc “tô” đắp lại những đường và hình bằng 5 thứ kim loại màu quý như vàng, bạc, đồng đen, đồng xanh, trên nền đồng đỏ, tùy sắc độ sản phẩm.

“Một tác phẩm bằng đồng, với một người thợ bình thường chế tác, xem qua sẽ không khác mấy so với nghệ nhân giỏi. Tuy nhiên, người tinh tường sẽ thấy ngay. Thợ thường làm ra các nét thô vụng, vô hồn. Nghệ nhân giỏi thì ngược lại, tay nghề cao khiến tính mềm mại đi vào chất đồng, họ “thổi được hồn” vào sản phẩm chính là lẽ đó”, nghệ nhân Nguyễn Văn Lục khẳng định.

Nắm thời cơ vươn ra thế giới

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Đích đang thực hiện làm khuôn tượng.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Đích đang thực hiện làm khuôn tượng.

Làng Đại Bái thờ tổ nghề là cụ Nguyễn Công Truyền. Theo tư liệu ghi chép, cụ Truyền được làm quan tới chức Điện điền tướng quân triều nhà Lý. Khi có dịp đi xứ sang Tàu, cụ đã học được nghề đúc rèn cơ khí. Từ quan năm 1018, cụ về làng hướng dẫn người dân làm nghề lò rèn, chế tác nông cụ cơ khí.

Từ đó, nhờ những công cụ nông nghiệp được cải tiến, ứng dụng làm cho lao động sản xuất ngày càng nhiều lúa gạo. Cũng từ đây, những chiếc nồi đồng đầu tiên đã xuất hiện, kèm theo còn là chậu, mâm, khay đĩa, cơi trầu, ống nhổ bằng đồng cũng ra đời. Đó là khởi điểm của làng nghề làm đồ đồng gia dụng của Đại Bái, tính ra cũng đã trên 1.000 năm.

Tại nơi thờ phụng tổ nghề, tượng cụ Nguyễn Công Truyền được đúc ở tư thế ngồi. Hai tay đặt trên đầu gối, bàn tay phải ngửa lên, bàn tay trái xuôi xuống; đầu đội mũ, chân đi hài, mình mặc áo cẩm bào, trên áo có đúc nổi hình rồng, phượng và một số nét mây.

Toàn bộ tượng cao 106cm, vai rộng 41cm. Tượng Tổ sư Nguyễn Công Truyền toát lên dáng vẻ một người tầm thước, khỏe mạnh. Đúc pho tượng này, những người thợ Đại Bái đã thể hiện sinh động tài năng đúc đồng của mình.

Từ nghề cổ mà cụ Nguyễn Công Truyền đã bày cho dân làng, giờ đây, những nghệ nhân làng Đại Bái không chỉ đem nghề truyền đi khắp nơi, mà còn muốn sản phẩm của làng có mặt khắp thế giới.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Thỉnh nói rằng, ở những đất nước có nhiều công trình tôn giáo thì đó chính là “cánh cửa” dành cho các nghệ nhân cao tay của làng đúc đồng Đại Bái. “Tôi muốn sản phẩm đúc đồng của Việt Nam phải vươn ra được thị trường nước ngoài.

Ngoài sản phẩm đồ thờ cỡ nhỏ và trung bình, thì người thợ đúc đồng Việt Nam hoàn toàn đủ kỹ năng để thực hiện các tác phẩm lớn tầm cỡ thế giới”, ông Thỉnh cho hay.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Thỉnh bật mí, với các sản phẩm cỡ nhỏ thì đã có thể đúc bằng phương pháp công nghiệp. Tuy nhiên, các sản phẩm cỡ lớn thì vẫn phải dùng phương pháp thủ công, mà thủ công là thế mạnh của nghệ nhân Việt Nam.

Người Trung Quốc cũng rất giỏi nghề đúc đồng, nhưng hiện tại, họ đang thiên về sản phẩm mang tính công nghiệp. Từ đó, cơ hội cho nghệ nhân đúc đồng Việt Nam càng cao. Nếu không chớp thời cơ thì rất khó để quảng bá với thế giới về tay nghề đúc đồng của nghệ nhân Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ