Tạo nguồn nhân lực ngành STEM: Cần chính sách đủ sức hấp dẫn

GD&TĐ - Cần các chính sách phù hợp để thu hút người học vào lĩnh vực khoa học công nghệ, kỹ thuật (STEM).

Học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tham gia câu lạc bộ STEM và chế tạo robot.
Học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tham gia câu lạc bộ STEM và chế tạo robot.

Để “đón đầu” nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cuộc cách mạng khoa học công nghệ và chuyển đổi số quốc gia, rất cần các chính sách phù hợp để thu hút người học vào lĩnh vực khoa học công nghệ, kỹ thuật (STEM).

Tỷ lệ khiêm tốn

Tỷ lệ sinh viên ở Việt Nam theo học các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) những năm vừa qua tăng cả về quy mô tuyển sinh lẫn đào tạo. Tuy nhiên, nếu so với các nước phát triển thì con số này còn khiêm tốn.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2024, tỷ lệ học sinh nhập học của khối ngành STEM bậc đại học gia tăng đáng kể. Trong số hơn 600 nghìn sinh viên nhập học, có hơn 200 nghìn em khối ngành STEM; tăng 10% so với năm trước.

Nếu tính bình quân 4 năm vừa qua về quy mô tuyển sinh thì các ngành liên quan đến STEM tăng khoảng 10%/năm, cao hơn so với tỷ lệ tăng trung bình về quy mô tuyển sinh của cả nước khoảng 5,6%/năm. Số sinh viên học khối ngành STEM hiện nay ở mức khoảng 55 sinh viên/vạn dân, tương ứng chiếm khoảng 30% tổng quy mô đào tạo.

Mặc dù, tỷ lệ sinh viên ở Việt Nam theo học STEM những năm vừa qua tăng cả về quy mô tuyển sinh lẫn đào tạo nhưng bức tranh tổng thể so với các nước phát triển thì con số này còn khiêm tốn. Cụ thể tại Singapore, tỷ lệ này khoảng 46%, Hàn Quốc khoảng 35%, Phần Lan khoảng 36% và Đức khoảng 40%.

Người học khối ngành STEM khiêm tốn một phần xuất phát từ lựa chọn của học sinh THPT. Năm 2024, cả nước có hơn 1,07 triệu thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT, trong đó 37% chọn bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), 63% chọn bài thi Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Năm 2025, lần đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình GDPT 2018, thí sinh lựa chọn 2 môn thi trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ, bên cạnh 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Ghi nhận tại các trường, số lượng thí sinh chọn thi Khoa học tự nhiên không nhiều.

Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, tại đợt khảo sát chất lượng (thi thử tốt nghiệp) vào cuối tháng 3, chỉ có 32,7 nghìn thí sinh chọn thi môn Vật lý, 16,3 nghìn em chọn môn Hóa học, 3,4 nghìn em chọn môn Sinh học. Trong khi đó, số học sinh chọn Lịch sử là 47,5 nghìn, Địa lý là 45,1 nghìn, Tiếng Anh là 61 nghìn.

Ông Nghiêm Hồng Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Quốc Oai (Quốc Oai, Hà Nội) chia sẻ: Những năm qua, học sinh có xu hướng chọn các môn Khoa học xã hội để tăng khả năng đỗ tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, các ngành Khoa học kỹ thuật, STEM lại có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đối với sự phát triển của xã hội, quốc gia trong thời đại công nghệ 4.0.

Tuy nhiên, không nên nhìn vào tỷ lệ học sinh chọn các môn Khoa học xã hội vượt trội so với Khoa học tự nhiên để đánh giá về sự thiếu hụt nguồn tuyển. Bởi hiện vẫn nhiều học sinh giỏi lựa chọn lĩnh vực khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên để tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi ra trường. Vấn đề nằm ở chỗ cần có chính sách để thu hút các em.

dao-tao-nganh-stem-2.jpg
Học sinh Hà Nội dự Ngày hội tư vấn hướng nghiệp năm 2025 tại Trường THPT Đan Phượng.

Thu hút người học

Bà Trần Thùy Dương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho rằng, có nhiều học sinh giỏi lựa chọn theo học các môn khoa học cơ bản và con số này sẽ tăng trong thời gian tới do các chính sách phát triển khoa học công nghệ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ thời gian qua.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 71/2025/NQ-CP sửa đổi, bổ sung cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trong đó nhấn mạnh đến nội dung thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường giáo dục và hướng nghiệp STEM, thu hút học sinh giỏi theo học các ngành STEM; xây dựng và triển khai chính sách phát hiện và bồi dưỡng tài năng STEM từ sớm, quy hoạch và đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống trường chuyên, trường năng khiếu về khoa học tự nhiên.

Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có kế hoạch và lộ trình đầy đủ để thực hiện Nghị quyết 71/NQ-CP. Nhà trường phát triển hệ thống phòng học, phòng thí nghiệm hiện đại, không gian nghiên cứu khoa học, STEM, chế tạo robot. Các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học hoạt động sôi nổi, không chỉ thu hút học sinh các khối chuyên tự nhiên mà cả khối chuyên khác.

Trước thực tế số lượng học sinh theo đuổi ngành STEM chưa nhiều, một số cơ sở giáo dục đại học cũng có giải pháp thu hút người học ngành STEM từ cấp học dưới. Đó là xây dựng các chương trình trải nghiệm STEM cho học sinh phổ thông, giúp các em tiếp cận sớm với khoa học công nghệ và định hình niềm đam mê từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường; tạo cơ hội để học sinh thể hiện sự sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng giải quyết các vấn đề thực tế thông qua các cuộc thi STEM.

Đến từ Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên), PGS.TS Phạm Thành Long cho hay, nhà trường đã tuyên truyền và chuyển giao tri thức, tập huấn để giáo viên và học sinh các trường THPT được tiếp xúc với giáo dục STEM. Đồng thời tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề về giảng dạy, chuyển giao phương tiện dạy học và hỗ trợ cho các trường nhiều mô hình câu lạc bộ STEM.

TS Lê Trường Tùng - Trường Đại học FPT cũng nhìn nhận, phát triển đất nước cần nhiều nhóm nhân lực và mỗi nhóm có vai trò riêng. Tuy nhiên, tại thời điểm này, yêu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực STEM cần số lượng lớn hơn và chất lượng cao hơn. Do đó, cần có giải pháp để tạo sự dịch chuyển, tác động vào từng người học lựa chọn lĩnh vực này.

Trong bối cảnh hiện nay, cần có cơ chế, chính sách về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ then chốt bởi nếu không đủ chi phí cho giáo dục đại học và người học, yêu cầu về nhân lực chất lượng cao khó đạt như mong muốn.

“Tín dụng sinh viên là tận dụng nguồn lực của tương lai để đầu tư cho thời điểm hiện tại, các em sẽ trả bằng chính tiền của bản thân sau này. Đây là vấn đề quan trọng, nhưng tín dụng sinh viên hiện nay có quy mô, số tiền còn nhỏ và chưa thực sự được quan tâm đúng mức nếu so sánh với các nước”, ông Tùng cho hay.

Trong Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng quy mô đào tạo bậc đại học có thể đạt đến 1 triệu sinh viên theo học khối ngành STEM. Nhà nước tập trung đầu tư nâng cấp, phát triển 5 cơ sở giáo dục đại học công lập có năng lực, uy tín hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu một số ngành, lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ then chốt, mũi nhọn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ