Đề xuất tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng: Ứng biến với thực tiễn

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đề xuất tuyển dụng người tốt nghiệp cao đẳng ở những môn học mà địa phương đang thiếu giáo viên.

Cô trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức). Ảnh minh họa: ITN
Cô trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức). Ảnh minh họa: ITN

Đây là giải pháp tình thế nhưng phù hợp thực tiễn nhằm giải quyết bài toán thiếu đội ngũ giảng dạy hiện nay.

Linh hoạt trước nhu cầu

Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng dạy một số môn học theo Chương trình GDPT 2018. Nghị quyết cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng ở một số môn học cấp tiểu học và THCS, gồm: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật).

Theo bà Triệu Thị Huyền - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, thời gian qua Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT đã tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác tuyển dụng giáo viên. Tuy nhiên, các chính sách hiện hành chưa đủ thu hút nhà giáo đến công tác tại vùng khó khăn. Nhiều địa phương không có nguồn tuyển dụng giáo viên một số bộ môn do thí sinh không đáp ứng được yêu cầu về trình độ.

Từ thực tế trên, bà Triệu Thị Huyền kiến nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, có cơ chế, chính sách ưu đãi trong thu hút, tuyển dụng giáo viên, ưu tiên tuyển dụng thí sinh là con, em đồng bào đang sinh sống trên địa bàn. Riêng các bộ môn mang tính đặc thù có thể cho phép tuyển dụng từ trình độ cao đẳng trở lên; sau đó tiếp tục đào tạo để những giáo viên này hoàn thiện về trình độ theo quy định trước năm 2030.

Năm học 2023 - 2024, tỉnh Thanh Hóa có hơn 40 nghìn giáo viên trong biên chế các cấp học. Ông Tạ Hồng Lựu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho hay, so với định mức, tỉnh còn thiếu 6.800 giáo viên; trong đó giáo viên môn Tiếng Anh thiếu 277 người; Tin học thiếu 680 người; Âm nhạc thiếu 12 người; Mỹ thuật thiếu 209 người... Để bổ sung nguồn lực cho cấp mầm non, tiểu học, THCS theo Chương trình GDPT 2018, sở GD&ĐT từng có ý kiến về việc “linh động” cho ngành Giáo dục hợp đồng, tuyển dụng giáo viên có trình độ dưới chuẩn.

Tán thành với đề xuất trên, bà Tăng Thị Ngọc Mai – đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh nêu ý kiến, việc này cần được cụ thể hóa bằng Nghị quyết của Quốc hội, tạo hành lang pháp lý để các địa phương thực hiện; vì nếu không có Nghị quyết của Quốc hội, địa phương tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn sẽ sai luật.

“Luật Giáo dục 2019 quy định, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo là: Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT. Trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non là từ cao đẳng trở lên”, bà Tăng Thị Ngọc Mai viện dẫn.

Giờ học âm nhạc của cô trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Việt Trì, Phú Thọ). Ảnh: TG

Giờ học âm nhạc của cô trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Việt Trì, Phú Thọ). Ảnh: TG

Tức thời thích ứng

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nhấn mạnh. Trong bối cảnh nhiều địa phương thiếu giáo viên và nguồn tuyển, chúng ta cần áp dụng các giải pháp tình thế, mềm dẻo, linh hoạt nhưng bảo đảm chất lượng; đó mới là “tức thời” thích ứng.

Nhớ lại, trước đây giáo viên có trình độ 10+1 rồi đến 10+2, 10+3 nhưng ngành Giáo dục vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh, trình độ đào tạo là điều kiện ban đầu và bằng cấp chỉ phản ánh một phần, quan trọng là năng lực của giáo viên. Trong quá trình giảng dạy, các thầy cô sẽ tích lũy kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân, năng lực nghề nghiệp và chuẩn trình độ.

“Trên thực tế, nhiều người có bằng đại học nhưng chưa chắc dạy tốt. Trong khi người có trình độ cao đẳng nhưng có ý thức phấn đấu, tự học, tự bồi dưỡng nên chất lượng dạy tốt, được học sinh, phụ huynh, nhà trường tín nhiệm”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhìn nhận. Vì thế, trong điều kiện nhiều địa phương đang thiếu giáo viên, nhất là một số bộ môn theo Chương trình GDPT 2018, việc tuyển dụng, hợp đồng người có trình độ cao đẳng như đề xuất của Bộ GD&ĐT là hợp tình, hợp lý.

“Với giáo viên “dưới chuẩn”, sau tuyển dụng phải có điều kiện kèm theo là: Thử thách về năng lực, nghiệp vụ sư phạm. Cùng đó, yêu cầu giáo viên phải bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu về chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019. Sau thời hạn nhất định, nếu không đảm bảo các yếu tố trên thì có thể thay thế”, TS Nguyễn Tùng Lâm gợi mở. Tuy nhiên, để công tác bồi dưỡng đạt hiệu quả cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà trường. Ngoài ra, bản thân giáo viên phải có ý thức tự học, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ.

Tháng 10/2023, Bộ GD&ĐT có Công văn số 5695/BGDĐT-NGCBQLGD gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xin ý kiến với đề xuất xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách đặc thù để tuyển dụng giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật.

Công văn nêu: Hiện, Bộ GD&ĐT dự kiến đề xuất “cho phép các địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế nhưng thiếu nguồn tuyển được tuyển dụng sinh viên/giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy các môn Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật theo Chương trình GDPT 2018.

Cụ thể, cho phép tuyển dụng sinh viên, giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm (hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm) đào tạo chuyên ngành Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật để dạy các môn học này ở cấp tiểu học, THCS, THPT theo Chương trình GDPT 2018. Các giáo viên này sau khi được tuyển dụng phải tham gia lộ trình nâng chuẩn để đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.

Quy trình tuyển dụng đối tượng này thực hiện theo quy định của Chính phủ. Các chế độ, chính sách sau khi tuyển dụng được áp dụng theo quy định của Chính phủ và Bộ GD&ĐT. Việc tuyển dụng đối tượng này được thực hiện đến hết năm 2028 (2 năm trước khi kết thúc lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ để đến năm 2030 bảo đảm trình độ chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019).

Dự báo đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học thiếu hơn 6.600 giáo viên tin học và trên 5.700 giáo viên ngoại ngữ. Cấp THCS: Môn Công nghệ thiếu gần 11.600 giáo viên, Khoa học tự nhiên thiếu hơn 2.300 giáo viên, Nghệ thuật thiếu trên 4.300 giáo viên. Do đó, cần thiết phải tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, bảo đảm có đủ giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở một số môn học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng hợp tin đăng công ty tuyển dụng mới nhấtTìm kiếm cơ hội việc làm chất lượng Top 10 headhunter in Vietnam