Đề xuất trường đại học quốc tế xuất sắc: Lựa chọn ứng viên theo tiêu chí nào?

GD&TĐ - Một trong những điều kiện trở thành ĐH quốc tế xuất sắc là cần có: Đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, SV xuất sắc; có quản trị và hạ tầng xuất sắc…

Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề xuất một số cơ sở đào tạo thành các trường đại học quốc tế xuất sắc. Các trường này sẽ tiên phong thí điểm mô hình hoạt động mới và quốc tế hóa…

Phát huy nội lực

Nằm trong đề xuất trên có Trường ĐH Việt Đức. TS Hà Thúc Viên - Phó Hiệu trưởng phụ trách chia sẻ, nhà trường đón nhận thông tin với tâm thế sẵn sàng, đồng thời có nền tảng và nhận được sự hỗ trợ của hai Chính phủ: Việt Nam và Đức. “Trường ĐH Việt Đức được đầu tư gần 200 triệu USD. Cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm xây dựng hiện đại. Đây là điều kiện cần thiết để bảo đảm đào tạo theo tiêu chuẩn nước Đức nói riêng và quốc tế nói chung”, TS Hà Thúc Viên viện dẫn.

Ngoài ra, Trường ĐH Việt Đức có thư viện kết nối liên thông quốc tế cao. Các chương trình đào tạo sử dụng từ trường đại học hàng đầu của Đức, được kiểm định theo tiêu chuẩn Đức và quốc tế. Hằng năm, có 120 - 150 lượt giáo sư của Đức sang giảng dạy, đào tạo sinh viên, chiếm tỷ lệ từ 40 - 80% khối lượng giảng dạy. “Trong tương lai, bên cạnh duy trì chất lượng, chúng tôi sẽ nghiên cứu một số lĩnh vực đào tạo nhằm bắt nhịp với xu thế phát triển trong các thập niên tới”, TS Hà Thúc Viên trao đổi.

Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng nằm trong danh sách được đề xuất là trường đại học quốc tế xuất sắc. Hiện, trường đào tạo 17 ngành hệ đại học. PGS.TS Định Thị Mai Thanh – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, với 80% giảng viên là tiến sĩ trở lên, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội nằm trong tốp đầu các trường đại học Việt Nam có giảng viên trình độ tiến sĩ trở lên.

Theo PGS.TS Định Thị Mai Thanh, một trong những tiêu chí để trở thành đại học quốc tế xuất sắc là phải mạnh về nội lực, xuất sắc về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hiện, tất cả chương trình được nhà trường đào tạo bằng tiếng Anh. Đối tác chiến lược là Pháp nên các chương trình đào tạo của trường có sự hỗ trợ từ quốc gia này. Ngoài ra, chương trình đào tạo của nhà trường được kiểm định quốc tế.

Riêng về nghiên cứu khoa học, PGS.TS Định Thị Mai Thanh cho biết, trung bình giảng viên của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội có 1,6 bài khoa học/tạp chí có hệ thống SCI. Từ nền tảng về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế cùng nhiều yếu tố, điều kiện khác, nhà trường tự tin để trở thành một trong những trường đại học quốc tế xuất sắc như Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề xuất. “Đây là dự thảo có tính chiến lược lâu dài, phù hợp phát triển đất nước trong tương lai”, PGS.TS Định Thị Mai Thanh nhìn nhận.

Sinh viên Trường ĐH Việt Đức. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Việt Đức. Ảnh: NTCC

Tiên phong quốc tế hóa

Đồng quan điểm, TS Hà Thúc Viên nhắc lại, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 145/2006/QĐ-TTg “Về chủ trương và những định hướng lớn xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam”. Việc xây dựng 3 trường đại học quốc tế xuất sắc gồm: Trường ĐH Việt Đức, Trường ĐH Việt Nhật, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ngoài ra, chúng ta có sự chuẩn bị trong nhiều năm qua. “Hợp tác với các quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực đại học là cách tiếp cận tiên tiến, nhất là với nước có giáo dục đại học phát triển”, TS Hà Thúc Viên nhấn mạnh.

Tại tọa đàm lấy ý kiến góp ý Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin, định hướng phát triển ba trường đại học xuất sắc gồm: Trường ĐH Việt Đức, Trường ĐH Việt Nhật, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã có trong Nghị quyết của Trung ương.

Chẳng hạn, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị đề ra chủ trương phát triển Trường ĐH Việt Đức và một số trường đại học lớn theo hướng trọng tâm, trọng điểm đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á. Khác với trường tư thục có vốn đầu tư nước ngoài, những trường này mang tính hợp tác giữa 2 chính phủ, cùng đầu tư nguồn lực cho trường; thể hiện định hướng phát triển vượt trội và phải chủ động bằng nội lực để xứng đáng với đầu tư của hai bên.

Ngoài ra, các trường này sẽ tiên phong thí điểm mô hình hoạt động mới, quốc tế hóa trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ tiềm năng, thu hút tỷ lệ lớn giảng viên, sinh viên, học viên quốc tế tới làm việc, học tập và nghiên cứu tại Việt Nam. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, việc cụ thể hóa định hướng phát triển ba trường trên thành các trường đại học quốc tế xuất sắc như trong dự thảo quy hoạch là phù hợp. Cả 3 trường có tính quốc tế cao, đào tạo các ngành thế mạnh của Đức, Pháp và Nhật Bản, chủ yếu trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Quy mô tuyển sinh mỗi trường khoảng 400 - 850 sinh viên/năm.

Bên cạnh các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, dự thảo quy hoạch cũng đề xuất định hướng phát triển các trường đại học quốc tế xuất sắc, dựa trên 3 trường đại học có hợp tác liên chính phủ đã và đang được đầu tư với cơ chế đặc biệt.

Chủ trương phát triển trường đại học quốc tế xuất sắc theo hướng trọng tâm, trọng điểm đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu khu vực và quốc tế được xác định trong nhiều nghị quyết của Đảng và Chính phủ, được ghi rõ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Theo TS Hà Thúc Viên, một trong những điều kiện để trở thành đại học quốc tế xuất sắc là cần có những điều kiện như: Đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, sinh viên xuất sắc; có hệ thống quản trị và cơ sở hạ tầng xuất sắc… Đây là những vấn đề mà các trường được đề cập trong dự thảo quy hoạch có thể đáp ứng và tiếp tục củng cố, phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ