Tham gia xếp hạng hay không phụ thuộc vào nhu cầu của từng đơn vị. Nhưng qua xếp hạng đã phản ánh đúng thực tế, giáo dục đại học đã và đang đổi thay tích cực, đào tạo - nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn cuộc sống.
Ý nghĩa xếp hạng
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, xếp hạng đại học trở thành tất yếu, yêu cầu quan trọng để đánh giá năng lực, chất lượng đào tạo, nghiên cứu của trường đại học. Ngày nay, xếp hạng đại học được xem như một trong các tiêu chí đánh giá, bộ mặt của nền giáo dục đại học nhiều quốc gia.
Trên thế giới có nhiều bảng xếp hạng đại học, nhưng phổ biến nhất và có uy tín, mang tính toàn cầu đó là ARWU (của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải), THE, QS World... Trong đó, THE là tạp chí về tin tức và các vấn đề giáo dục đại học nổi tiếng nhờ công bố bảng xếp hạng đại học thế giới hằng năm THE – QS. Trong các tiêu chí xếp hạng của THE, tổng trọng số danh tiếng trong đào tạo và nghiên cứu, trích dẫn từ các công bố khoa học, tổng thu nhập từ đào tạo, nghiên cứu và hợp đồng thu hút từ công nghiệp và các doanh nghiệp yêu cầu rất cao.
Mục tiêu cuối cùng của bất kỳ trường đại học nào khi tham gia các bảng xếp hạng là nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và thúc đẩy hội nhập với giáo dục thế giới. Để có thứ hạng cao trong xếp hạng THE, các trường đại học phải có uy tín, chất lượng, nhiều kết quả nghiên cứu xuất sắc; tầm ảnh hưởng, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và nghiên cứu vấn đề mà doanh nghiệp cần để tăng năng suất, sức cạnh tranh.
Thực tế cho thấy, các bảng xếp hạng đại học đều có cách tính và tiêu chí khác nhau. Tham gia hay không tùy theo sứ mệnh, nhiệm vụ đào tạo nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ từng trường. Nhưng nói gì thì nói, có mặt trong các bảng xếp hạng quốc tế cũng tác động lớn đến uy tín của trường trong xã hội.
Đại học Quốc gia Hà Nội không ngừng gia tăng thứ hạng trong các bảng xếp hạng. Ảnh: TG |
Chuẩn quốc tế và chất lượng đào tạo
Trường Đại học Trà Vinh hiện có 15 chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế có giá trị trong khu vực Đông Nam Á (AUN-QA) và thế giới (ABET, FIBAA). Đơn vị này cũng nằm trong tốp đầu các trường đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều chương trình đạt kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế FIBAA, AUN-QA, ABET.
Trong đó 7 chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn AUN-QA gồm: Nông nghiệp; Thủy sản; Thú y; Điều dưỡng; Kỹ thuật xét nghiệm y học; Dược học; Ngôn ngữ Khmer. Có 7 chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế theo tiêu chuẩn FIBAA: Quản trị kinh doanh; Kinh tế; Luật; Kế toán, Tài chính ngân hàng; Thạc sĩ Quản trị kinh doanh; Thạc sĩ Quản lý kinh tế. Có 1 chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế theo tiêu chuẩn ABET là Công nghệ thông tin.
GS.TS Phạm Tiết Khánh - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Trà Vinh cho rằng các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế (AUN-QA, FIBAA, ABET) đã tác động tích cực đến chất lượng đào tạo về mọi mặt: Thiết kế chương trình, phương pháp giảng dạy, đánh giá, cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy và phục vụ sinh viên cùng đội ngũ cán bộ giảng viên.
Giúp trường xác định được điểm mạnh, hạn chế trong chương trình đào tạo; từ đó xem xét, rà soát chỉnh sửa và cải tiến đồng bộ các mặt hoạt động nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu và tạo niềm tin cho các bên liên quan. Người học nhận được các chương trình đào tạo tốt và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế. Cơ hội hợp tác quốc tế của nhà trường cũng ngày càng mở rộng và thuận lợi hơn.
Mới đây (ngày 8/11), theo công bố của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS), Trường Đại học Giao thông Vận tải nằm trong danh sách 15 đại học Việt Nam vào bảng xếp hạng châu Á năm 2024.
PGS.TS Ngô Văn Minh - Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Nghiên cứu phát triển Trường Đại học Giao thông Vận tải, thành viên tổ chuyên gia Hội đồng kiểm tra Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, cho hay: Đánh giá xếp hạng dựa trên các tiêu chí, ý kiến của học giả và nhà tuyển dụng có trọng số cao nhất, lần lượt là 30 và 20%.
Còn lại tỷ lệ: Giảng viên/sinh viên (10%), giảng viên có trình độ tiến sĩ (5%), số bài báo khoa học/giảng viên (5%), trích dẫn/bài báo khoa học (10%), mạng lưới nghiên cứu quốc tế (10%), giảng viên quốc tế (2,5%), sinh viên quốc tế (2,5%). Đây là những đánh giá khách quan cho thấy mức độ đáp ứng nhu cầu xã hội của nhà trường, điều này góp phần tác động tích cực đến hoạt động dạy và học.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, xếp hạng đại học cần được coi là phương thức quản trị mục tiêu chiến lược, đo lường, đánh giá chất lượng. Đây là đích đến cần thiết của các trường đại học, điều này không những để quảng bá thương hiệu đơn thuần, mà còn trở thành lực đẩy để trường nỗ lực nhiều hơn trong việc chuẩn hóa chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ… đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.