Đề xuất phục hồi nguyên bản thiết kế cầu Long Biên

GD&TĐ - Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đề nghị, muốn giữ cầu Long Biên thì Hà Nội cần lên tiếng đề xuất cầu Long Biên là một di sản.

Hội thảo khoa học 'Đổi mới, sáng tạo trong công tác quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị cầu Long Biên' thu hút nhiều ý kiến của giới chuyên gia, các nhà khoa học.
Hội thảo khoa học 'Đổi mới, sáng tạo trong công tác quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị cầu Long Biên' thu hút nhiều ý kiến của giới chuyên gia, các nhà khoa học.

Tại Hội thảo khoa học “Đổi mới, sáng tạo trong công tác quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị cầu Long Biên” vừa diễn ra, các chuyên gia đưa ra các giải pháp bảo tồn tôn tạo cầu Long Biên. Mục đích là để vừa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, là một điểm nhấn trong cấu trúc không gian đô thị và là một công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Theo ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, sau hơn 120 năm đưa vào khai thác sử dụng, cầu Long Biên đã trải qua 3 lần cải tạo lớn và nhiều lần trùng tu.

Tuy nhiên, do bị tàn phá bởi chiến tranh và có tuổi thọ quá lớn nên cây cầu giờ đây đã xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn giao thông. Do vậy, đã đến lúc cần một phương án tổng thể để bảo tồn và tôn tạo cầu Long Biên trên cơ sở khoa học, chọn lọc những giá trị tiêu biểu của cây cầu để bảo tồn, phục dựng cho hậu thế mai sau.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho rằng, cầu Long Biên không chỉ đơn giản nối liền hai bờ sông Hồng mà còn là “cầu nối nước Pháp với Việt Nam, nối quá khứ với hiện tại và tương lai”. Mặc dù là một chứng nhân lịch sử trong suốt hơn 120 năm qua nhưng thực trạng hiện nay vô cùng ảm đạm, sửa chữa chắp vá.

Ông Niên đề xuất phục hồi nguyên bản thiết kế của cầu Long Biên với 20 trụ cầu lớn và 19 nhịp cầu hình dáng rồng lượn tương thích với danh xưng Thăng Long. Từ đó, đề ra phương án để cầu Long Biên thành cầu đi bộ, trung tâm văn hóa đêm của Hà Nội, kết hợp khai thác bãi giữa sông Hồng.

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất quan điểm cho rằng cần đưa cầu Long Biên trở thành di sản, chuyện tu bổ cầu Long Biên không nằm ngoài quy hoạch sông Hồng và Thủ đô, sự cần thiết của việc bảo tồn, phát huy, cần có cơ chế chính sách.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đề nghị, muốn giữ cầu Long Biên thì Hà Nội cần lên tiếng đề xuất cầu Long Biên là một di sản. Đồng thời, đề nghị Bộ GTVT sớm làm tuyến đường sắt mới thay thế tuyến đường sắt đang chạy trên cầu thì mới có cơ sở tiến hành các phương án bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ