Đề xuất phạt 30 triệu đồng, tước bằng lái xe 1 năm với tài xế “ma men”

Sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm liên quan tới việc tài xế uống rượu bia, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết đang nghiên cứu, đề xuất tăng mức phạt người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt mức cho phép, trong đó mức phạt tối đa 30 triệu đồng, tước bằng lái xe 1 năm. 

Đề xuất phạt 30 triệu đồng, tước bằng lái xe 1 năm với tài xế “ma men”

Thông tin trên được ông Lê Văn Thanh - Vụ An toàn giao thông (ATGT), Bộ GTVT - cho biết tại buổi tọa đàm “Cách nào ngăn chặn tài xế uống rượu, bia gây TNGT?”, diễn ra ngày 3/5.

Theo ông Thanh, trong quá trình xem xét sửa đổi Nghị định 46 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đường sắt, với nhóm hành vi có nguy cơ cao để xảy ra TNGT sẽ xem xét tăng nặng mức xử phạt.

Đại diện Vụ ATGT thông tin, tới đây, Bộ GTVT sẽ xin ý kiến Bộ Tư pháp và trình Chính phủ trong tháng 6 về Nghị định sửa đổi. Tuy nhiên, việc tăng nặng mức xử phạt ở đây cần hiểu là không phải cứ tăng cao lên là được mà phải phù hợp với thực tiễn, đảm bảo hiệu lực thi hành và đảm bảo tính răn đe.

“Nhóm hành vi liên quan đến nồng độ cồn, mức cao nhất là phạt tiền 16 - 18 triệu, tước quyền sử dụng GPLX trong 4 - 6 tháng. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu tăng mức xử phạt lên 20 - 30 triệu và tước giấy phép lái xe 24 tháng” - ông Thanh cho hay.

Đề xuất phạt 30 triệu đồng, tước bằng lái xe 1 năm với tài xế “ma men” - 1
Việc tăng nặng xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với lái xe sử dụng rượu bia gây tai nạn thu hút sự quan tâm của dư luận (ảnh: ANTĐ)

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - thông tin, thực tế các chế tài xử lý vi phạm trong luật và Nghị định 46 rất mạnh, phạt tiền rất cao, khiến nhiều người e ngại. Mức vi phạm 0,4 mg/lít khí thở bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng cũng đã khiến nhiều người đã rất lo ngại. Tuy nhiên, mức xử phạt đó đã đủ để răn đe hay chưa thì cần nghiên cứu thêm.

Tại các nước, hành vi vi phạm nồng độ cồn có thể bị xử phạt 20 năm tù. Ở Trung Quốc, ý thức người dân được nâng cao, không có chuyện uống rượu bia rồi lái xe. Việc nghiên cứu điều chỉnh quy định pháp luật rõ ràng là cần thiết.

Ông Đỗ Đức Hồng Hà - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - nêu quan điểm, các nước trên thế giới xử phạt hành chính rất nghiêm để ngăn chặn, phòng ngừa từ xa việc sử dụng rượu bia, chất kích thích như cấm, đánh thuế cao, quy định tuổi, giờ sử dụng. Việt Nam nên tiếp thu và học tập.

“Vấn đề tước giấy phép lái xe vĩnh viễn, tịch thu phương tiện giao thông là một trong những giải pháp chúng ta có thể áp dụng. Hiện theo quy định, ngoài phạt tù 15 năm còn có hình phạt bổ sung cấm hành nghề 5 năm để chấm dứt việc người vi phạm tham gia giao thông.” - ông Hà nói.

Hiện luật Hành chính, luật Dân sự quy định người vi phạm phải khắc phục thiệt hại do họ gây ra, đây cũng là những quy định bổ sung ngoài hình phạt tù.

Sau hàng loạt vụ TNGT thương tâm liên quan đến việc tài xế sử dụng rượu bia vừa xảy ra, ngày 2/5, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã ra chỉ thị về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến việc sử dụng rượu, bia khi làm nhiệm vụ, điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Chiều 3/5, Bộ trưởng GTVT một lần nữa yêu cầu sửa đổi Nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt theo hướng tăng nặng; nghiên cứu tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất ATGT, đặc biệt là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.

Theo dantri

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ