Đề xuất hai phương án rút BHXH một lần

GD&TĐ - Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH không hạn chế rút BHXH một lần song đề xuất 2 phương án.

NLĐ nên bảo lưu phần BHXH đã tham gia, coi đó là của để dành cho tuổi già. Ảnh minh họa
NLĐ nên bảo lưu phần BHXH đã tham gia, coi đó là của để dành cho tuổi già. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, phương án 2 có thể sẽ ưu việt hơn, tuy nhiên, để hợp lý nên lấy ý kiến của người lao động (NLĐ) và người dân về vấn đề này.

Khuyến khích bảo lưu để hưởng lương hưu

Trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất 2 phương án rút BHXH một lần.

Phương án 1 là giữ nguyên quy định hiện hành, tức NLĐ tham gia dưới 20 năm BHXH và sau 1 năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì được rút một lần. NLĐ được rút toàn bộ quá trình đóng nếu có nhu cầu, song về lâu dài sẽ chịu thiệt khi không được hưởng lương hưu. Theo Bộ, cách này không thể hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, tác động đến lưới an sinh, tạo áp lực lên ngân sách chi trợ cấp hưu trí.

Phương án 2 là cho NLĐ rút một lần song tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để sau này lao động đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng chế độ BHXH.

Mức hưởng 1 lần căn cứ trên số năm lao động đóng BHXH. Mỗi năm được tính bằng 1,5 tháng bình quân tiền lương đóng BHXH cho những năm trước 2014; bằng 2 tháng bình quân tiền lương đóng cho những năm từ 2014 trở đi. Lao động đóng BHXH dưới 1 năm, mức hưởng tối đa bằng 2 tháng bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Với lao động tham gia BHXH tự nguyện, mức hưởng 1 lần không bao gồm tiền ngân sách hỗ trợ cho những năm đóng. Với người ra nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc sau 1 năm không tham gia hệ thống mà đóng dưới 20 năm BHXH thì có thể lựa chọn nhận trợ cấp hàng tháng nếu không muốn rút 1 lần. Mức hưởng được tính toán trên số năm đóng và nền tiền lương đóng mỗi tháng.

Theo Bộ, việc đưa ra phương án 2 nhằm khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm có khoảng gần 750.000 người rút BHXH một lần. Đặc biệt, số người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng từng năm. Vấn đề này đang đặt ra thách thức đối với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến độ bao phủ đối tượng hưởng lương hưu tăng chậm.

Theo thống kê, trong tổng số người giải quyết BHXH một lần có gần 10% là có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 10 năm trở lên. Bộ nhận định, nguyên nhân của việc gia tăng số người rút BHXH một lần là họ gặp khó khăn về tài chính, phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt như trang trải cho gia đình, đầu tư cho con học, nợ nần, chi phí sinh hoạt sau mất việc làm…

Phương án nào có lợi cho NLĐ hơn?

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, cả hai phương án đều có ưu điểm và nhược điểm. Ở phương án 1 giữ nguyên như Luật hiện hành, sẽ tạo cơ hội cho NLĐ khi họ rất khó khăn cần rút số tiền đó để trang trải cho cuộc sống. Bởi về nguyên tắc đó là tiền của NLĐ và họ có quyền được rút. Tuy nhiên, lợi thì ít, hại thì nhiều vì BHXH là thể hiện sự đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ cả hiện tại và lâu dài khi họ không còn khả năng lao động, về hưu, lúc đó phải có nguồn để sống, không thể dựa vào Nhà nước hay con cái được. Điều này cũng dựa trên quy định của hiến pháp, quyền công dân được đảm bảo an sinh xã hội.

Đối với phương án 2, cho NLĐ rút một lần song tối đa không quá 50% có một ưu điểm cơ bản là khi rất khó khăn, NLĐ vẫn rút được tiền để giải quyết vấn đề trước mắt. Số dư còn lại để dành bổ sung khi về già hoặc có điều kiện quay trở lại hệ thống để tiếp tục đóng góp vào quỹ và hưởng lương hưu khi đủ điều kiện là bảo vệ cho chính NLĐ, thể hiện tính ưu việt của chính sách.

Ông Lợi chỉ ra, trước đây cũng đã dự kiến về việc chỉ cho người lao động rút BHXH một lần 8% (tỷ lệ NLĐ đóng) và không được rút 14% (tỷ lệ người sử dụng lao động đóng BHXH), tuy nhiên chưa hợp lý và không thuyết phục. Với tư cách là chuyên gia sâu và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông Lợi khuyến nghị NLĐ nên suy nghĩ kỹ và cố gắng khắc phục khó khăn để bảo lưu phần đã tham gia để coi đó là của để dành cho tuổi già vì quỹ BHXH do Nhà nước quản lý, bảo hộ để thực hiện BHXH toàn dân và bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người đúng theo quan điểm của Đảng ta là không để ai bị bỏ lại phía sau.

Một số chuyên gia cho rằng, chỉ nên cho phép NLĐ rút phần bản thân đóng. Theo luật hiện hành, doanh nghiệp đóng 31% số tiền BHXH cho NLĐ, NLĐ chỉ phải đóng 8%, vậy có thể giới hạn phần tiền NLĐ rút bằng phần tiền họ đã đóng (8%), phần còn lại vẫn để NLĐ tham gia tiếp vào BHXH. PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học LĐ&XH từng đánh giá, giải pháp này cũng góp phần nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài ra, cần tăng cường độ hấp dẫn của chính sách BHXH. Hiện các chính sách của BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện vẫn quá chênh lệnh đã làm mất sự cân bằng và không hấp dẫn được NLĐ. Cần tăng cường tính minh bạch, công khai chính sách và tăng cường tuyên truyền về chính sách, kéo NLĐ quay lại tham gia BHXH bằng các biện pháp hỗ trợ hiệu quả, hấp dẫn,…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ