Đề xuất giảm thuế cho doanh nghiệp vận tải

GD&TĐ - Nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn này, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai một số nội dung gỡ khó cho ngành.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đánh giá những tác động của biến động giá nhiên liệu đối với giá dịch vụ vận tải các lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, đồng thời đề xuất kiến nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc ngành vận tải trước sức ép xăng dầu tăng giá.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, trước diễn biến tăng mạnh của giá dầu thế giới, giá xăng dầu đã được điều hành theo Nghị định 92/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, theo đó chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu đã giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày để phản ánh sát hơn sự điều chỉnh của giá xăng dầu thế giới.

So với năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân năm tăng 31,74%. Việc này đã tạo áp lực rất lớn đến hoạt động vận chuyển hàng hóa và hành khách trên toàn quốc.

Về đường bộ, theo số liệu khảo sát tháng 2 và tháng 3/2022, ứng với mức tăng giá xăng dầu hiện nay và kết hợp cả ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khoảng 80%-90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đều đã kê khai điều chỉnh tăng giá cước vận tải để bù đắp chi phí nhiên liệu với mức tăng từ 10% - 15% (tùy theo cự ly tuyến cố định) và giá cước vận tải hàng hóa cũng được điều chỉnh tăng từ 7% - 10%.

Đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng tại các đô thị bằng xe buýt hầu hết hiện nay đều được trợ giá, do đó giá vé vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vẫn được giữ ổn định, tuy nhiên chi phí phát sinh do tăng giá nhiên liệu sẽ tăng chi phí trợ giá.

Về đường sắt, theo kế hoạch vận tải năm 2022 của Tổng công ty đường sắt Việt Nam, tỷ lệ chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải chỉ chiếm 21,5%, tuy nhiên do tác động của việc tăng giá nhiên liệu, hiện nay tỷ lệ này đã lên đến 29% và làm tăng chi phí vận tải lên 15% - 20% so với kế hoạch ban đầu.

Tuy nhiên, do hiện nay hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt đang cạnh tranh về giá dịch vụ so với các phương thức vận tải khác, do đó giá cước vận tải hành khách của ngành đường sắt vẫn giữ ổn định so với trước thời điểm biến động giá nhiên liệu nhằm thu hút hành khách đi tàu và góp phần thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của ngành.

Đối với hoạt động vận tải hàng hóa, do đặc thù về hiệu quả sử dụng nhiên liệu của ngành đường sắt so với các phương thức khác, do đó mức tăng giá cước vận tải hàng hóa chỉ từ 3% - 5%.

Nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn này, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai một số nội dung gỡ khó cho ngành vận tải.

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Bộ Tài chính xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách miễn, giảm phí sử dụng hạ tầng đường sắt, phí ra vào vùng nước cảng biển, cảng thủy nội địa; đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đối với Ủy ban nhân dân các địa phương, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách miễn giảm phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển; phí đậu, đỗ đón khách tại nhà ga, bến cảng.

Riêng đối với Bộ Giao thông vận tải thực hiện xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách giá dịch vụ liên quan đến hoạt động hàng không nhằm hỗ trợ các hãng hàng không.

Bộ Giao thông vận tải đồng thời kiến nghị các bộ, ngành khẩn trương triển khai nhanh chóng và có hiệu quả các gói phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, Công điện số 291/CĐ-TTg ngày 31/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên doanh nghiệp vận tải tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ