Đề xuất giảm lãi suất cứu doanh nghiệp giáo dục

Các doanh nghiệp nói chung cũng mong được giảm thuế giá trị gia tăng để kích thích tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.

Doanh nghiệp giáo dục kiệt quệ

Bà Nguyễn Thị Mơ, chuyên gia trong lĩnh vực thuế, kế toán cho rằng, các hoạt động giáo dục hầu hết là đối tượng không chịu thuế GTGT, nên việc giảm thuế GTGT không làm giảm chi phí các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn nên giảm mức thuế suất thuế GTGT phù hợp hơn, nhất là đối với những sản phẩm hàng hóa là nhu yếu phẩm, hàng hóa dịch vụ thiết yếu của người dân.

Theo kiến nghị mới nhất của 150 cơ sở giáo dục tư thục đề nghị Nhà nước xem xét miễn, giảm, giãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí; trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, được miễn nộp tối đa các khoản bảo hiểm, thuế, phí, lệ phí trong thời gian nghỉ hoạt động do dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp giáo dục cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cơ bản. Các ngân hàng thương mại xem xét khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Các cơ sở này cũng bày tỏ mong muốn ngân hàng chấp thuận các gói vay ưu đãi dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo với mức lãi ưu đãi từ 3 - 6%/năm trong năm 2020 và 2021.

Giảm thuế giá trị gia tăng để kích cầu tiêu dùng

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến hết ngày 30/6/2020, toàn hệ thống thuế đã ban hành 10.490 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Tổng số tiền hoàn thuế là hơn 61.498 tỷ đồng, bằng 47,3% so với dự toán hoàn thuế GTGT năm 2020. Con số này đã được Quốc hội thông qua, bằng 46,0% so với cả năm 2019, bằng 98,3% so với cùng kỳ năm 2019. Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thuế, đến ngày 30/6, toàn quốc có 780.109 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 22.576 doanh nghiệp (2,98%) so với thời điểm cuối năm 2019.

Mới đây, khi góp ý dự thảo Nghị quyết "Về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19", Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) và các hiệp hội doanh nghiệp có kiến nghị giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 5%. Theo Ban IV, các doanh nghiệp hiện đang rất cần vốn lưu động để duy trì sản xuất kinh doanh. Việc phải đóng 10% thuế GTGT và phải đợi đến cuối năm mới được hoàn thuế sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng cũng vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một loạt giải pháp để gỡ khó cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, trong đó có đề nghị giảm thuế GTGT cho các doanh nghiệp xuống còn 5%. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngành du lịch được ghi nhận là một trong những nhóm ngành chịu thiệt hại nặng nhất do tác động của dịch Covid-19. Khi đề cập đến chính sách thuế thì Sở Du lịch cũng đã đề xuất phương án miễn, giảm 50% thuế GTGT.

Theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Ngọc Thuỷ (Cầu Giấy) cho rằng: Các chính sách về gia hạn thời gian nộp thuế có giúp phần nào cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn nhưng không đủ để hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục. Doanh nghiệp gần như không có doanh thu nếu sức mua trên thị trường không cao mà giá bán sản phẩm đang gồm cả thuế GTGT 10%.

Trước bối cảnh hàng hóa tiêu thụ chậm như hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất đều cho rằng, việc giảm thuế GTGT sẽ kích thích được khả năng tiêu thụ số lượng hàng hóa đang tồn kho. Trước áp lực lượng tiêu thụ kém thì việc giảm giá bán từ việc giảm thuế GTGT sẽ giúp doanh nghiệp bán được hàng nhiều hơn, việc hồi phục của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trở nên thuận lợi hơn.

Thực tế, mức thuế suất thuế GTGT 10% của Việt Nam so với một số quốc gia, lãnh thổ lân cận vẫn ở mức cao. Cụ thể, ở Đài Loan là 5%, Malaysia là 6%, Singapore và Thái Lan là 7%. Điều này làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ, không khuyến khích tiêu dùng, không phù hợp với thu nhập của đa số người dân Việt Nam trong tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Có thể thấy, để tháo gỡ khó khăn, đại đa số doanh nghiệp đều mong muốn giảm thuế GTGT từ 10% xuống 5%. Ông Phạm Ngọc Long, Giám đốc phụ trách mảng dịch vụ tư vấn thuế của Công ty Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, việc giảm thuế GTGT sẽ giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng. Còn việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp được nhận hỗ trợ trực tiếp từ chính sách này.

Theo khuyến nghị của Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF), nên giảm thuế GTGT 1 - 2% trong giai đoạn này đến năm 2022. Nếu thuế GTGT giảm 1% thì tổng cầu cuối cùng tăng 0,42%, GDP tăng 0,13%, tiêu dùng tăng 0,23%. Còn nếu thuế GTGT giảm 2% thì tổng cầu cuối cùng tăng 0,75%. GDP tăng 0,23% và tiêu dùng tăng 0,42%. Theo đánh giá của NCIF trong bối cảnh hiện nay việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không còn tác dụng nhiều vì doanh nghiệp không có thu nhập để phải đóng thuế. Tác động thiết thực hơn, thực chất hơn là giảm thuế GTGT. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.