Hội thảo Khoa học Quốc gia trên diễn ra sáng 25/11, tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Văn Trào – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội nhấn mạnh, sau 35 năm đổi mới, đất nước có những chuyển mình mạnh mẽ và thu được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa đất nước hòa vào dòng chảy phát triển chung của nhân loại và của thời đại.
Chúng ta đã, đang chủ động và tích cực trong việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đồng thời hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đóng góp tích cực và cụ thể cho sự phát triển chung của nhân loại.
PGS.TS Nguyễn Văn Trào phát biểu tại hội thảo. |
Đối với ngành Chính trị học, PGS.TS Nguyễn Văn Trào nhìn nhận, dù còn mới ở Việt Nam nhưng trên thế giới, ngành học này đã có một lịch sử khá lâu đời và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện như hiện nay sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển của ngành Chính trị học ở Việt Nam, song cũng đặt ra những thách thức và khó khăn.
Đối với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Trào cho biết, ngành Chính trị học chính thức được tổ chức đào tạo hệ cử nhân năm 2016. Với mục tiêu nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo; đồng thời thúc đẩy phát triển của ngành Chính trị học, nhà trường mong muốn tạo ra những diễn đàn trao đổi học thuật và thực tiễn giảng dạy.
Đoàn Chủ tịch điều hành hội thảo. |
Qua đó để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các giảng viên ở học viện, trường đại học, viện nghiên cứu có cơ hội chia sẻ hoặc gợi mở những vấn đề lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu, giảng dạy chính trị học ở Việt Nam.
“Mặt khác, thông qua những diễn đàn như trên, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần nâng cao vị thế của ngành Chính trị học trong các ngành Khoa học xã hội và Nhân văn ở Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh đất nước chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” - PGS.TS Nguyễn Văn Trào bày tỏ.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp gắn nghiên cứu với đào tạo ngành chính trị học trong các trường đại học khối ngành khoa học xã hội nhân văn, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
GS.TS Nguyễn Hùng Hậu tham luận tại hội thảo. |
GS.TS Nguyễn Hùng Hậu - Viện Triết học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) – khẳng định, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển kinh tế thị trường – là một cống hiến mới vào kho tàng lí luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin.
Đây cũng là phát hiện đầy tính sáng tạo của Đảng cộng sản Việt Nam, xuất phát từ tổng kết thực tiễn Việt Nam và tiếp thu chắt lọc kinh nghiệm của loài người. Phát hiện này có ý nghĩa quyết định đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam.
Trong đó, kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là một thể thống nhất, không tách rời nhau. Đó là mô hình phát triển tổng quát của nền kinh tế Việt Nam trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Là đột phá lí luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lí luận quan trọng trong 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. Là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường.
Đông đảo sinh viên tham dự Hội thảo “Nghiên cứu và giảng dạy chính trị học tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện”. |
Nhấn mạnh một số điểm cơ bản khi nghiên cứu và giảng dạy về vấn đề Nhà nước hiện nay ở Việt Nam; PGS. TS Lê Công Sự - Khoa Khoa học chính trị, Trường ĐH Hà Nội – lưu ý 5 vấn đề đề: Thứ nhất, nhận thức đúng về sự dịch chuyển từ bản chất thống trị giai cấp sang bản chất xã hội của Nhà nước.
Thứ hai, cải cách vấn đề “song trùng quyền lực” giữa tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước đáp ứng nhu cầu dân chủ hóa xã hội rộng rãi;
Thứ ba, cải cách bộ máy hành chính nhà nước gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả theo xu hướng chung của thời đại
Thứ tư, tăng cường thực thi dân chủ trong quá trình lập pháp, hành pháp, tư pháp trong xu thế thông tin đa chiều;
Thứ năm, thay đổi nhận thức về xây dựng xã hội dân sự và mối quan hệ giữa Nhà nước với các tổ chức xã hội dân sự.
Hội thảo quốc gia với chủ đề “Nghiên cứu và giảng dạy chính trị học tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện” nhận được sự đóng góp bài viết tích cực từ các tác giả là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ, giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Ban tổ chức lựa chọn 58 bài viết đăng tải trong cuốn Kỷ yếu của Hội thảo do Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm xuất bản.