Đề xuất đưa khoa học kỹ thuật thể thao vào trường học

GD&TĐ - TS.Vũ Thái Hồng - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Thể thao đề xuất đưa khoa học kỹ thuật thể thao vào trường học.

TS Vũ Thái Hồng - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Thể thao phát biểu ý kiến. Ảnh: Bùi Giang, Khắc Anh.
TS Vũ Thái Hồng - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Thể thao phát biểu ý kiến. Ảnh: Bùi Giang, Khắc Anh.

Tại hội thảo “Tương lai cho thế hệ vươn mình”, TS.Vũ Thái Hồng cho biết, các quốc gia trên thế giới luôn quan tâm đến phát triển thể lực, tầm vóc và xây dựng lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ.

Nhật Bản là quốc gia tiên phong và thành công nhất về phát triển thể lực tầm vóc sau đó Trung quốc, Hàn quốc...

Họ có các giải pháp đồng bộ triển khai các chương trình phát triển thể lực tầm vóc, chăm sóc sức khỏe từ trẻ sơ sinh đến 18 tuổi (đặc biệt mẫu giáo và tiểu học) thông qua giải pháp tập luyện thể dục thể thao - dinh dưỡng; đồng thời có những chính sách rất cụ thể để phát huy hết tiềm năng của trục Nhà nước - Gia đình - Nhà trường - Doanh nghiệp (trách nhiệm của từng đối tượng rất rõ ràng).

Ở Việt Nam, công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển thể chất, giảm thiểu thấp còi, béo phì... luôn được quan tâm. Giáo dục thể chất trong nhà trường đã có chương trình, sách giáo khoa cho các cấp; song còn thiếu cơ sở vật chất (sân tập, nhà tập, thiết bị tập luyện". Đội ngũ giáo viên cũng thiếu, chất lượng chưa cao, đặc biệt ở cấp học mẫu giáo và tiểu học.

TS.Vũ Thái Hồng thông tin: Năm 2011, Chính phủ phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển thể lực tầm vóc người Việt giai đoạn 2011 - 2030.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong 20 năm tới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam.

Đề án đặt mục tiêu cụ thể: Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm mạnh tỷ lệ suy dinh dưỡng để cải thiện các chỉ số cơ bản của trẻ em 5 tuổi và đảm bảo các tiêu chí đánh giá thể lực, tầm vóc thân thể của thanh niên Việt Nam lứa tuổi trưởng thành.

Đề án đã triển khai được một số kết quả; tuy nhiên,cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ và đồng bộ.

Đề xuất đưa khoa học công nghệ vào nhà trường, đặc biệt quan tâm đến cấp học mẫu giáo và tiểu học, TS.Vũ Thái Hồng kiến nghị một số vấn đề cần phải làm ngay.

Theo đó, đầu tư quỹ đất, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và thiết bị tập luyện thể dục thể thao đủ, hiện đại..

Cụ thể, các trường không còn quỹ đất thì nâng tầng để có phòng tập, bể bơi,... Có cơ chế, chính sách hỗ trợ để nhà trường, các trung tâm thể thao trên địa bàn phục vụ giảng dạy; thúc đẩy hợp tác công tư PPP.

Cần xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về thể chất học sinh, phục vụ việc thống kê, quản lý và đánh giá,...

Cần xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết bị tập luyện phù hợp với từng cấp học: Nâng cao hiệu quả, phòng tránh chấn thương.

Ứng dụng các thiết bị công nghệ cao hỗ trợ cho giáo viên, huấn luyện viên. Cụ thể, trong tập luyện: hỗ trợ xây dựng giáo án, chương trình tập luyện, đánh giá hiệu quả tập luyện,...; dự báo chiều cao, phòng tránh thấp còi, các bệnh cột sống, định hướng tập luyện môn thể thao…

Đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên thể dục, thể thao đáp ứng với yêu cầu mới (có thể sử dụng công nghệ hiện đại, có khả năng cập nhật kiến thức mới).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ