Đề xuất điều chỉnh giờ làm việc, giờ học nhằm giảm áp lực giao thông

Đề xuất điều chỉnh giờ làm việc, giờ học nhằm giảm áp lực giao thông

(GD&TĐ)-Rất nhiều ý kiến được các đại biểu đưa ra trong buổi họp bàn việc tổ chức khai thác vận tải hành khách bằng xe buýt trong nỗ lực hạn chế ùn tắc giao thông ở Thủ đô diễn ra chiều 17/10 do Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội tổ chức.

Một số
Bộ GTVT sẽ thực hiện biện pháp mạnh: Một số tuyến phố sẽ chỉ có xe buýt hoạt động vào giờ cao điểm (ảnh MH)

Tại cuộc họp, nhiều đề xuất  của các đại biểu được đưa ra như: Điều chỉnh giờ làm việc, giờ học của học sinh, sinh viên, của cán bộ công nhân viên; hạn chế taxi, xe cá nhân vào giờ cao điểm tại một số tuyến đường; tiếp tục phân làn đường và tăng cường phát triển các cặp đường một chiều tạo dòng luân chuyển phù hợp; tăng thêm các tuyến xe buýt hỗ trợ.

Một số đại biểu cho rằng trong thời điểm hiện nay, do những ưu điểm như năng lực vận chuyển hành khách cao, chiếm dụng diện tích mặt đường thấp và tiêu thụ ít nhiên liệu, xe buýt là loại hình nổi bật, đóng vai trò quan trọng  trong giao thông đô thị  ở Hà Nội.

Kết quả khảo sát về tiêu chí chiếm dụng diện tích mặt đường cho thấy, 1 hành khách đi xe buýt chiếm dụng 1,5-2m2; 1 người đi xe máy chiếm 12 m2; còn đi một ô tô lưu thông trên đường sẽ  chiếm 24-25 m2. Kết quả khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ chiếm dụng đường của xe buýt trên tuyến phố chính 4-12%, nhưng vận chuyển đươc 12-24 % lượng khách.

UBND TP Hà Nội cũng đã có Đề án phát triển mạng lưới xe buýt Hà Nội. Theo đó đến năm 2015 mạng lưới xe buýt sẽ đáp ứng 15% nhu cầu, với năng lực vận chuyển 2,14 triệu lượt hành khách/ngày; đến năm 2020 đáp ứng 20% nhu cầu với năng lực vận chuyển 2,73 triệu lượt hành khách/ngày.

Phó Giám đốc sở Giao thông vận tải TP Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho hay, mặc dù đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại nhưng xe buýt hiện không thể tăng thêm năng lực vận tải do bị các phương tiện khác chiếm dụng diện tích đường.

Theo đại diện Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội, một giải pháp quan trọng để  tăng cường hoạt động xe buýt đó là tách làn phương tiện, cần tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt. Cùng với đó là việc cải thiện mạng lưới tuyến xe buýt theo hướng tổ chức lại các đoạn tuyến có độ trùng lặp cao và các tuyến kém hiệu quả.

Đại diện  Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội đề xuất: Với những trục đường có lưu lượng  học sinh, sinh viên cao như đường 32, đường Nguyễn Trãi… thì cần hạn chế phương tiện cá nhân vào một số giờ cao điểm và tập trung tăng cường xe buýt nhằm nâng cao năng lực vận tải hành khách.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an Đỗ Đình Nghị đề nghị điều chỉnh giờ làm việc, giờ học của học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên chức nhằm giảm tải áp lực tham gia giao thông.

Cho biết đã làm việc với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận về điều chỉnh giờ học, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng: để giảm ùn tắc giao thông, Bộ GD-ĐT đồng ý cho điều chỉnh, bây giờ phải tính toán cụ thể giờ cho HS-SV, giờ cho Hà Nội, giờ cho cơ quan T.Ư, với cơ quan T.Ư sẽ làm từ 9 giờ.

Đề xuất tương đối mới mà ông Trần Ngọc Thành, Vụ trưởng Vụ Vận tải đưa ra là tất cả các cơ sở kinh doanh trong vành đai 2 phải mở cửa sau 9 giờ; các tuyến đường một chiều thì xe buýt được chạy hai chiều.

Được mời chia sẻ sáng kiến, TS Khuất Việt Hùng, Đại học GTVT đưa ra 4 giải pháp, mà hạn chế xe cá nhân là giải pháp cơ bản nhất.

Đặt vấn đề tập trung kiểm soát ôtô, ông Hùng nêu số liệu: xe ôtô chỉ chiếm 10% làn phương tiện nhưng chiếm 55% diện tích đường tham gia giao thông. Nếu bớt 20% số ôtô tham gia giờ cao điểm, có 11% diện tích đường dự trữ.

Giải pháp để hạn chế ôtô, theo ông Hùng, dễ nhất là thu phí, có sự phân bậc về mức phí đỗ xe giữa trung tâm và bên ngoài, giờ cao điểm phải tăng thêm. Mạnh dạn áp dụng thu phí ôtô vào nội thành như TP.HCM, cũng với nguyên tắc thu cao vào giờ cao điểm.

Cũng trong cuộc họp, một số ý kiến đề nghị cần kiên quyết chấm dứt việc sử dụng lòng đường vỉa hè làm bãi đỗ xe. Bên cạnh đó, trong một số giờ cao điểm, ở một số khu vực cần thiết phải hạn chế xe taxi họat động, bởi xe taxi cũng là tác nhân gây ùn tắc giao thông.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho rằng, hoặc là chấp nhận tắc đường, hoặc là chấp nhận dùng một số biện pháp mạnh có thể ảnh hưởng đến một nhóm đối tượng, nếu không, chúng ta sẽ “không còn đường để đi”.

Ngọc Lan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ