Bộ Công an đề xuất cơ chế can thiệp giá mua bán vàng miếng

GD&TĐ - Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về mức chênh lệch tối đa giữa giá mua - bán vàng miếng.

Bộ Công an đề xuất cơ chế can thiệp giá mua bán vàng miếng

Trong văn bản tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành góp ý cho Dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Công an đề xuất ban soạn thảo bổ sung quy định về biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua và giá bán vàng miếng.

Theo Bộ Công an, mặc dù dự thảo đã đề cập việc NHNN có thể can thiệp để bình ổn thị trường vàng theo các biện pháp được pháp luật quy định, nhưng lại chưa cụ thể hóa cơ chế hay biện pháp quản lý giá mua - bán vàng miếng.

Điều này đặc biệt đáng lưu ý trong bối cảnh thị trường có sự chiếm lĩnh của một thương hiệu lớn như Công ty SJC.

Bộ Công an đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế và biện pháp quản lý giá mua - bán vàng miếng nhằm tạo hành lang pháp lý cho cơ quan chức năng can thiệp khi cần thiết, đồng thời, ngăn chặn nguy cơ hình thành độc quyền và lợi ích nhóm do các doanh nghiệp tự niêm yết giá.

Bên cạnh đề xuất giới hạn biên độ chênh lệch giá mua - bán, Bộ Công an cũng khuyến nghị NHNN chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vàng phải thiết lập và công khai cơ chế hình thành, điều chỉnh giá trong ngày; lưu trữ đầy đủ chứng từ, tài liệu liên quan đến quá trình thiết lập và thay đổi giá, bao gồm cả dữ liệu điện tử.

Đồng thời, cần xây dựng cơ chế cho phép cơ quan quản lý có thể can thiệp vào giá mua - bán, cũng như cung - cầu thị trường vàng miếng trong những thời điểm cần thiết.

Đề xuất này được Bộ Công an đưa ra trong bối cảnh thực tế mỗi khi giá vàng biến động mạnh, các doanh nghiệp thường duy trì mức chênh lệch giá mua - bán ở mức cao, gây thiệt hại trực tiếp cho người mua.

Đơn cử, trong giai đoạn cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 năm nay, giá vàng miếng SJC tại các doanh nghiệp lớn liên tục ghi nhận mức chênh lệch giữa chiều mua và bán trong khoảng 3-3,5 triệu đồng/lượng. Điều này đồng nghĩa, người dân khi mua vàng miếng lập tức chịu khoản lỗ lên tới 3,5 triệu đồng/lượng nếu bán ra ngay.

Phản hồi góp ý của Bộ Công an, NHNN cho biết, theo Luật Giá 2012 (sửa đổi năm 2023), vàng không phải là mặt hàng thiết yếu, không thuộc danh mục hàng hóa - dịch vụ bình ổn giá hoặc do Nhà nước định giá.

Vì vậy, giá mua - bán vàng miếng hiện do doanh nghiệp và ngân hàng thương mại tự niêm yết theo cung - cầu thị trường và trong khuôn khổ pháp luật. Trường hợp cần thiết, Nghị định 50/2014/NĐ-CP vẫn cho phép NHNN can thiệp vào thị trường vàng trong nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sự cứng rắn kiên định

GD&TĐ - Ngày 15/7, ông Trump tiếp tục thể hiện thái độ cứng rắn với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong những ngày gần đây...