Đề xuất chuyển vai trò quản lý Nhà nước hệ cao đẳng về Bộ GD&ĐT (bài 7)

GD&TĐ - Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, trước đây, học xong hệ cao đẳng sẽ được liên thông lên đại học, không có khó khăn gì.

Học liên thông lên bậc cao hơn là nhu cầu và quyền lợi của mọi người. Ảnh minh họa
Học liên thông lên bậc cao hơn là nhu cầu và quyền lợi của mọi người. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, khi Bộ LĐ-TB&XH quản lý, chương trình học rút ngắn, muốn học lên đại học chính quy thì không đạt chuẩn. Đây là thiệt thòi lớn cho nhà trường và người học.

Bài 7: Người học thiệt vì CĐ không đạt chuẩn, khó liên thông lên ĐH

Cần giảm thiểu sự lộn xộn trong quản lý

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho biết, vài thập niên gần đây, Việt Nam đã thống nhất một đầu mối quản lý toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân. Quản lý Nhà nước về giáo dục nhà trẻ và mẫu giáo, phổ thông, trung học chuyên nghiệp và đại học được tập trung vào một đầu mối là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Từ đó đặt nền móng cho việc xây dựng tổ chức bộ máy quản lý giáo dục tinh gọn, không chồng chéo, hiệu quả.

Từ đầu năm 2017, công tác quản lý Nhà nước đối với hệ cao đẳng không còn do Bộ GD&ĐT đảm nhiệm. Nó tạo cản trở phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và phát triển nguồn nhân lực.

Từ khi có Luật Giáo dục nghề nghiệp, ranh giới giữa giáo dục nghề với giáo dục chuyên nghiệp được che khuất bởi quan niệm “giáo dục nghề nghiệp” là “một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng…”.

Điều này dẫn tới các cơ sở giáo dục cao đẳng không được coi là cơ sở giáo dục đại học, quản lý giáo dục nghề nghiệp bị chia sẻ. Các cơ sở giáo dục phổ thông, các đại học, các trường đại học, các trường cao đẳng sư phạm do Bộ GD&ĐT quản lý Nhà nước, phần còn lại thuộc Bộ LĐ-TB&XH đem đến nhiều hệ lụy không mong đợi.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã phân tích chỉ ra rất rõ ràng những cơ sở khoa học và thực tiễn để nêu kiến nghị. Bản thân ông rất ủng hộ đề xuất chuyển hệ cao đẳng về Bộ GD&ĐT quản lý. Điều này cũng phù hợp với tinh thần nghị quyết của Đảng, thống nhất đầu mối quản lý. Bởi cao đẳng và đại học cùng một hệ, không nên tách ra để mỗi Bộ quản lý một hệ đào tạo.

Ngoài ra hai hệ đào tạo này vốn là một hệ thống, nên nó là mối liên thông với nhau. Nếu tách ra là làm giảm sự liên thông, làm cho chất lượng giáo dục thêm trục trặc, ngắt quãng và không phù hợp với quốc tế.

Hơn nữa, mỗi Bộ có tiêu chuẩn, chính sách khác nhau trong quản lý, đào tạo. Nếu cứ kéo dài tình trạng này thì chất lượng giáo dục, đào tạo nhân lực vẫn khó khắc phục được để theo kịp với các nước trên thế giới.

Trước đây, học sinh học xong hệ cao đẳng sẽ được liên thông lên đại học, không có khó khăn gì. Tuy nhiên, khi Bộ LĐ-TB&XH quản lý, chương trình học rút ngắn, muốn học lên đại học chính quy thì không đạt chuẩn. Như vậy, người học sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi. Chưa kể đến việc chuẩn chức danh cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên cũng vậy. Nếu trường cao đẳng thuộc Bộ GD&ĐT quản lý, việc chuẩn chức danh sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

“Tôi ủng hộ và kiên quyết để các nhà khoa học lên tiếng nhằm giảm thiểu sự lộn xộn trong vấn đề quản lý. Nhìn thực tế, các trường sẽ liên thông với nhau theo một hệ thống nếu chuyển về Bộ GD&ĐT. Tất cả mọi thứ nên để chung một hệ thống xuyên suốt, có chuẩn cụ thể. Còn bây giờ, Bộ LĐ-TB&XH ban hành quy định này, Bộ GD&ĐT có những quy định kia. Như vậy không những quản lý, đào tạo rời rạc mà các trường, người học vẫn là người chịu thiệt” – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ ủng hộ đề xuất chuyển hệ cao đẳng về Bộ GD&ĐT quản lý.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ ủng hộ đề xuất chuyển hệ cao đẳng về Bộ GD&ĐT quản lý.

Bảo đảm nguồn tài nguyên nhân lực quốc gia

Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, việc đưa giáo dục và đào tạo về một đầu mối quản lý Nhà nước là Bộ Giáo dục và Đào sẽ bảo đảm sử dụng nguồn tài nguyên quốc gia. Mặt khác, theo tình hình thực tiễn hiện nay, hai Bộ vừa có vai trò vừa có chức năng nên chưa quy trách nhiệm rõ ràng về tình hình đào tạo nguồn nhân lực trước Quốc hội, Chính phủ nói riêng và xã hội nói chung.

Giai đoạn hiện nay và trước mắt, đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới đòi hỏi phải thay đổi tư duy phát triển giáo dục và đào tạo để có nguồn nhân lực tốt đáp ứng nhu cầu phát triển rất mới mà Đại hội Đảng XIII đã chỉ ra. Nếu được chấp thuận đưa giáo dục và đào tạo về đầu mối quản lý Nhà nước sẽ tạo ra sự chuyển biến mới, phù hợp với mục tiêu, định hướng của Đảng.

Tức là quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học sẽ khả thi và hiệu quả hơn do nguồn lực ít bị phân tán. Bài toán quy hoạch theo Luật Quy hoạch được giải quyết sao cho khai thác, huy động và sử dụng các nguồn lực (Nhà nước và tư nhân) một cách hiệu quả và thông minh, hoàn toàn không bị các cơ quan quản lý chồng chéo như hiện nay.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng cho biết thêm, qua 35 năm đổi mới, các nhà hoạch định chính sách giáo dục đều nhận thấy muốn đẩy mạnh kinh tế của đất nước, Việt Nam không phải chỉ cần có các nhà khoa học, các giáo viên, kỹ sư, các nhà kinh doanh, nhà quản lý... mà còn phải có đội ngũ đông đảo các công nhân, kỹ thuật viên lành nghề, các nhà công nghệ. Nói khác đi là còn cần phải có một đội ngũ nhân lực phong phú, thạo việc và đồng bộ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Chính vì thế, trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 Nghị quyết XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa” – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ