Đề xuất chuyển vai trò quản lý Nhà nước hệ cao đẳng về Bộ GD&ĐT (bài 5)

GD&TĐ - Theo Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), ở các nước tiên tiến, hệ thống cao đẳng đều được sắp xếp thuộc về GD đại học. Nếu tách ra sẽ làm yếu cả hai hệ thống nhà trường.

GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, không thể tách hệ cao đẳng ra khỏi giáo dục đại học.
GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, không thể tách hệ cao đẳng ra khỏi giáo dục đại học.

Bài 5: Giáo sư Lâm Quang Thiệp: Tách CĐ khỏi ĐH làm yếu cả hai hệ thống

Cao đẳng không thể quản lý như… nghề

Trong kiến nghị gửi tới Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã dẫn tiêu chuẩn của UNESCO để khẳng định việc tách hệ cao đẳng ra khỏi bậc giáo dục ĐH, quy về một bậc học (bậc giáo dục nghề nghiệp) là trái ngược với thông lệ quốc tế.

Hiệp hội cho rằng, đã có sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa cao đẳng nghề với cao đẳng chuyên nghiệp về mục tiêu đào tạo. Do đó, hiệp hội kiến nghị Quốc hội sớm điều chỉnh các luật về giáo dục (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH, Luật Giáo dục Nghề nghiệp) theo các định hướng để đưa trình độ cao đẳng về trở lại bậc giáo dục ĐH; đưa quản lý Nhà nước về đào tạo cao đẳng chung một đầu mối với các cấp độ khác thuộc giáo dục ĐH, tức là về lại Bộ GD&ĐT quản lý.

Nói về vấn đề này, GS Lâm Quang Thiệp phân tích: Theo ISCED (phân loại tiêu chuẩn quốc tế về giáo dục) của UNESCO năm 2011, giáo dục được chia thành 8 cấp độ. Giáo dục bậc ba (tertiary hoặc postsecondaryeducation, chính là giáo dục đại học) bao trùm từ cấp độ 5 đến cấp độ 8.

Cấp độ 5 được gọi là Short-cycle tertiary (giáo dục bậc ba ngắn hạn) chính là cấp độ cao đẳng. Vậy, cao đẳng là cấp độ 5, cấp độ thấp nhất của giáo dục đại học.

GS Lâm Quang Thiệp cũng cho biết thêm, ở Mỹ trong hệ thống giáo dục đại học có hai loại trường chính, người ta thường gọi đại học 4 năm (có đào tạo bậc cử nhân trở lên) và đại học hai năm (hoặc cao đẳng cộng đồng, đào tạo theo chương trình tối đa 2 năm). Có khoảng 2.200 đại học 4 năm và 1.700 đại học 2 năm. Giữa hai loại đại học có quy định liên thông rất chặt chẽ.

Sinh viên học cao đẳng cộng đồng lấy được bằng Associate (“liên kết”) 2 năm có quyền chuyển tiếp học giai đoạn giáo dục chuyên nghiệp ở các đại học 4 năm. Nhờ có hệ thống cao đẳng cộng đồng và cơ chế liên thông này mà giáo dục đại học Mỹ sớm thực hiện được đại chúng hóa và phổ cập hóa giáo dục đại học. Cao đẳng cộng đồng chính là niềm tự hào lớn của giáo dục đại học Mỹ.

GS Lâm Quang Thiệp nhấn mạnh: “Tách hệ thống trường cao đẳng ra khỏi hệ thống giáo dục đại học là một sai lầm của giáo dục nước ta. Sự tách biệt này cản trở việc thiết kế liên thông giữa cao đẳng và đại học, làm yếu cả hai hệ thống nhà trường.

Hơn nữa, cần lưu ý rằng, cao đẳng nghề đào tạo chủ yếu thực hành một nghề cụ thể, chỉ là một bộ phận của hệ thống cao đẳng. Còn trong hệ thống cao đẳng có nhiều trường cao đẳng chuyên nghiệp, đào tạo chuyên sâu một chuyên ngành, cả lý thuyết và thực hành.

Như vậy, quản lý hệ thống cao đẳng nhất loạt theo kiểu cao đẳng nghề sẽ gây khó khăn và làm yếu các trường cao đẳng chuyên nghiệp. Chưa kể đến, chuẩn của Bộ GD&ĐT và chuẩn của Bộ LĐ-TB&XH khác nhau, nên khi đồng bộ chương trình gặp rất nhiều trở ngại”.

Sửa chữa để không bị lạc hậu

Luật Giáo dục Nghề nghiệp chính thức có hiệu lực ngày 1/7/2015, quy định cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng. Kể từ đó, hệ thống trường cao đẳng chính thức chuyển từ Bộ GD&ĐT về cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý. 
Ba năm sau, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, bổ sung năm 2018 được ban hành (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019) quy định các trình độ đào tạo của giáo dục ĐH bao gồm trình độ ĐH, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ, hoàn toàn không có bậc cao đẳng.

Cũng theo GS Lâm Quang Thiệp, sai lầm nói trên nên được sửa chữa càng sớm càng tốt, để tránh những bất lợi nảy sinh. Sửa chữa chậm thì nhiều khiếm khuyết sẽ ngày càng bộc lộ, làm cho hệ thống giáo dục đại học nước ta ngày càng khác biệt và lạc hậu so với thế giới, cản trở quá trình hội nhập quốc tế.

Một phụ huynh nêu ý kiến, chúng tôi không quan tâm Bộ nào quản lý hệ cao đẳng. Điều chúng tôi cần đó là một sự thống nhất trong cách quản lý, tránh chồng chéo, bảo đảm quyền lợi cho người học. Đặc biệt là sự thông suốt khi muốn học liên thông từ cao đẳng lên đại học. Bởi vì học là học suốt đời, do đó, phải có con đường rõ ràng cho học sinh, sinh viên, học viên.

Nếu liên thông được thì hệ thống chương trình đào tạo của các bậc học phải có sự thống nhất ngay từ đầu. Còn bây giờ để một phần là Bộ GD&ĐT, một phần là Bộ LĐ-TB&XH, sau đó, có thể liên thông để học thêm nữa thì vấn đề này rất khó phối hợp và làm cản trở quá trình học tập của người học.

Một sinh viên Trường Cao đẳng Y tế cũng băn khoăn: “Theo tìm hiểu, chuẩn của Bộ GD&ĐT khác với Bộ LĐ-TB&XH đối với chương trình học. Khi chuyển về Bộ này, một số chương trình học đối với sinh viên trường Y gặp nhiều khó khăn. Không những giảm thời gian dạy lý thuyết mà còn cả thời gian thực hành.

Học ngành Y nếu không được đào tạo bài bản và nâng các buổi thực hành lên thì sinh viên khó có thể hành nghề. Bởi đây vốn là ngành học đặc thù liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người.

Chưa kể đến, những khái niệm về “sản phẩm thực hành” của giáo dục nghề nghiệp cũng khác biệt. Vì vậy, nhiều sinh viên không khỏi lúng túng trong quá trình học và thực hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.