Phù hợp với thực tiễn
Theo TS Nguyễn Minh Phong, TP Hà Nội đã cố gắng tìm tòi thử nghiệm nhiều biện pháp để giảm ùn tắc giao thông trong đó có việc phát triển tuyến BRT, nhưng sau 2 năm hoạt động, tuyến buýt này chưa mang lại hiệu quả, thậm chí chưa phù hợp. Nói về phương án nghiên cứu hạn chế xe máy lộ trình đến năm 2030, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cấm xe máy thời điểm này là chưa khả thi vì người dân đi chéo qua các tuyến đường không có nhu cầu đi trên đường sắt trên cao toàn tuyến. Điều này chưa đánh giá hết được nhu cầu của người dân.
TS Nguyễn Minh Phong đưa ra ví dụ, nếu khảo sát 100 người, bao nhiêu người có nhu cầu đi tàu điện ngầm và buýt nhanh BRT và bao nhiêu người vẫn muốn sử dụng xe máy thì mới có thể triển khai cấm xe máy được. Điều kiện tốt nhất để cấm xe máy là phải phủ khắp mạng lưới buýt công cộng và tàu điện ngầm, các loại đường sắt trên cao… để cho người dân đến bất kỳ điểm nào ở trong nội thành cũng như ngoại thành mà không cần dùng xe máy cũng được. “Bây giờ mới chỉ nối một số điểm nhất định thì sao đáp ứng hết được nhu cầu của nhân dân. Sẽ có rất nhiều tình huống họ chưa khảo sát hết. Nếu không đáp ứng được nhu cầu thực tế của nhân dân sẽ bị phản ứng ngay”, TS Nguyễn Minh Phong nhận định.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên ĐBQH TP Hà Nội khóa XIII cho rằng ý tưởng hạn chế xe máy và phương tiện cá nhân là được nhưng đến khi nào thực hiện cho phù hợp thì cần tính toán kỹ. Chỉ khi các phương tiện giao thông công cộng đã có thể thay thế, đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt là trong điều kiện nhu cầu người dân Hà Nội mưu sinh bằng phương tiện cá nhân trong đó có xe máy thì mới nên cấm. Hiện, nếu hạn chế thì cho thí điểm nhưng phải có lộ trình, thời gian thí điểm bao lâu, đưa ra giải pháp để xử lý những bất cập của người dân đang ở trên các tuyến phố định thí điểm. Việc này phải có sự nghiên cứu đánh giá rõ ràng, làm sao để cho người dân đi lại không bị ảnh hưởng đến sự mưu sinh.
|
Phải có lộ trình, phương án đúng
Đánh giá về vấn đề này, TS Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, muốn cấm phương tiện cá nhân, trước mắt là xe máy cần phải đưa ra lộ trình hết sức đúng đắn. Bởi lộ trình rất cần thiết cho rất nhiều bên để hoạch định cuộc sống người dân cho phù hợp. Ngoài ra, cần cho cả nhà sản xuất mô tô, xe máy tại Việt Nam hiểu chủ trương hướng đến việc cấm xe máy trong 10 năm tới.
Bởi nếu cấm ngay, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn bởi đã đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ, nhân lực... Cũng cần phải có lộ trình cho Nhà nước, cơ quan quản lý vì nếu không có giao thông công cộng mà cấm xe máy thì như “thách đố” người dân. Tất nhiên, về lâu về dài phải cấm bởi xe máy, phương tiện cá nhân không chỉ gây ùn tắc giao thông mà còn làm ô nhiễm môi trường.
Về tổng thể, khi lộ trình nói rõ phải thúc đẩy chuyển sang đi xe đạp, thiết kế giao thông công cộng phải dành chỗ cho xe đạp. Người dân phải được khuyến khích chuyển sang đi xe đạp. Nhà quản lý phải hoạch định một loạt các giải pháp đi theo mới cấm xe máy, chứ không thể cấm không có giải pháp thay thế.
|
Lâu dài vẫn phải cấm xe máy
Ông Lê Như Tiến, nguyên ĐBQH khóa XIII nhấn mạnh, chủ trương giảm bớt phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô và các phương tiện khác đặc biệt là xe máy là đúng. Về lâu dài chúng ta phải làm. Một số nước tiên tiến, giao thông phát triển đã không cho xe đi vào nội đô từ lâu. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại không giống như các nước khác bởi phương tiện và dịch vụ công cộng còn rất mỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Tàu điện ngầm chưa có, đường sắt trên cao chưa hoạt động, cho đến các phương tiện công cộng như ô tô điện cũng chưa có.
“Xe buýt tại Việt Nam cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nếu cấm ngay phương tiện cá nhân thì người dân sẽ đi bằng phương tiện gì? Người ta đi chợ mang vác rất cồng kềnh đi bộ bao nhiêu cây số mới có một bến xe”, ông Lê Như Tiến băn khoăn. Theo ông Lê Như Tiến, chủ trương đúng nhưng phải thực hiện vì lợi ích của nhân dân. Nếu nóng vội sẽ khó khả thi.