Phải chờ thêm...

GD&TĐ - Mấy ngày nay, báo chí lại rộ lên chuyện người đứng đầu ngành giao thông Hà Nội đưa ra đề xuất cấm và thu phí phương tiện cá nhân, bao gồm ô tô và xe máy đi vào một số tuyến đường có nguy cơ ùn tắc cao ở Thủ đô. Theo đó, hai tuyến đường đầu tiên có thể sẽ cấm xe máy lưu thông là Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây không phải là lần đầu tiên, đề xuất cấm xe máy và thu phí phương tiện đi vào trung tâm Thủ đô được đưa ra. Trước đây, những người làm quản lý giao thông của Hà Nội cũng từng đưa ra những đề xuất tương tự, thậm chí còn gây tranh cãi hơn như cho phép phương tiện mang biển số chẵn đi vào nội đô trong các ngày chẵn và mang biển số lẻ đi vào ngày lẻ.

Ngay việc phân định xem xe máy hay ô tô cá nhân là thủ phạm gây ùn tắc giao thông cũng làm tốn không ít giấy mực. Phe ủng hộ xe máy - coi đó như phương tiện cá nhân không thể thay thế không chỉ của người Hà Nội mà của cả nước - đương nhiên cho rằng ô tô là nguyên nhân chính gây tắc đường. Họ có lý lẽ riêng. Nào là diện tích chiếm lòng đường của ô tô lớn gấp mấy lần xe máy; ý thức của người điều khiển ô tô chưa tốt, hở ra là lách, là lao lên, chiếm hết lòng đường “ép” người đi xe máy “bắn” lên vỉa hè...

Phe ủng hộ ô tô, không có lí do gì lại không “tẩy chay” xe máy. Ngoài hàng tá lí lẽ coi xe máy là phương tiện không phù hợp với lối sống hiện đại, gây ô nhiễm, ùn tắc giao thông, họ còn cho rằng cấm xe máy là việc hoàn toàn khả thi vì một số nơi trên thế giới đã làm rất tốt việc này.

Những tranh luận kiểu như vậy vẫn diễn ra từ nhiều năm nay, mỗi khi có những đề xuất liên quan đến việc quản lý các loại phương tiện cá nhân. Và câu hỏi luôn song hành với những lần như vậy vẫn là: Người dân sẽ đi lại bằng gì?

Nội dung trả lời cho câu hỏi ấy hé lộ phần nào trong đề xuất cấm phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy của ông Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội. Một trong những giải pháp được đưa ra là tận dụng năng lực vận tải công cộng. Phương tiện thay thế được nhắc đến ở đây là tuyến bus nhanh (BRT) Yên Nghĩa - Kim Mã và tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Chắc hẳn, Hà Nội sẽ tăng cường năng lực giao thông công cộng, có giải pháp kết nối để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân nhằm biến đề xuất trên thành hiện thực. Nếu làm được việc này, Hà Nội sẽ đi tiên phong trong việc giải quyết ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn, ô nhiễm và rất nhiều thứ khác.

Tuy vậy, hiệu quả thực sự của BRT với đầy rẫy ưu ái ra sao cũng đã được báo chí đề cập trong khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông triển khai ỳ ạch cả chục năm nay, chất lượng và năng lực vận hành chưa biết hay dở thế nào. Nếu thí điểm cấm xe máy, người dân có nhu cầu đi lại trên tuyến đường này nhiều khả năng sẽ phải chọn hai loại phương tiện công cộng này.

Loại bỏ một phương tiện - cứ tạm coi là không phù hợp - để “dồn” nhau lên những phương tiện chưa mấy được dân tin dùng trong khi giải pháp kết nối chưa rõ ràng liệu có giải quyết được nhu cầu đi lại của người dân?

Chúng ta chắc phải chờ thêm...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.