Trong khi nguồn hiến từ người chết tim tiềm năng tại Việt Nam rất nhiều, nhưng lại chưa có quy định trong Luật Hiến ghép mô tạng nên cần phải bổ sung để tăng nguồn tạng hiến.
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, 20 năm qua, nhiều nước trên thế giới phát triển nhanh, tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết tim. Nhiều nước như Tây Ban Nha, Pháp, Australia, Ireland, Trung Quốc... đã hiến mô tạng từ người chết tim.
Việt Nam đã có Luật Hiến ghép mô tạng năm 2006, nhưng chỉ đề cập hiến mô tạng từ người chết não. Luật chưa đề cập hiến mô tạng từ người chết tim. Do vậy, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đề xuất bổ sung chết tim và hiến mô tạng từ người chết tim vào luật sửa đổi tới đây.
“Nhiều năm qua, nguồn hiến tạng từ người chết tim được nhiều nước quan tâm, nên số tạng hiến từ chết tim tăng nhanh. Ở Trung Quốc, hiến tạng từ người chết não chiếm 17%, chết tim chiếm 19%, do nhiều người cho rằng chết tim mới thật sự là chết”, PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết.
Theo ông, mục đích của việc đề xuất bổ sung chết tim và hiến mô tạng từ người chết tim vào luật sửa đổi nhằm giúp người bệnh bị suy mô tạng được tiếp thêm hy vọng vượt qua căn bệnh hiểm nghèo. Đồng thời, gia tăng tỷ lệ hiến mô, tạng sau chết não và chết tim trên cả nước trong thời gian tới.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nêu: “Thực tế, nhiều người đồng ý hiến tạng, nhưng trong quá trình đánh giá chết não, bệnh nhân bất ngờ ngừng tuần hoàn. Bệnh nhân không thể hiến tạng (do không được quy định trong luật) nên gia đình xin về, đồng nghĩa mất đi một nguồn hiến tạng cứu người quý giá. Do vậy, việc xây dựng quy định về hiến tạng từ người chết tim là cần thiết để mở rộng thêm cơ hội nhận tạng hiến”.
Để có đầy đủ hành lang pháp lý đưa người hiến mô, tạng từ chết tim vào luật, TS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đề xuất, vấn đề quan trọng là xác định được chết tim không thể hồi phục lại được. Cần xây dựng tiêu chuẩn phù hợp với thực trạng Việt Nam. Việc truyền thông cần thay đổi phù hợp với nhận thức của thân nhân người hiến…
Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục. Đến nay, kỹ thuật này ngày càng phát triển không ngừng. Đồng thời, được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, là một trong 10 phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ 20.
Để tăng nguồn hiến mô, tạng từ người chết não, trong năm 2023, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tích cực phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Hội Vận động hiến mô bộ phận cơ thể người Việt Nam, các bệnh viện tổ chức tuyên truyền về nghĩa cử nhân văn, nhân ái về hiến mô tạng sau chết/chết não.
Ở Việt Nam hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim…, những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tặng thời gian qua đã mở ra một hướng đi đúng đắn, đem lại lợi ích và ý nghĩa cho xã hội. Mặc dù vậy, với những đặc thù về văn hóa, truyền thống nên nguồn tạng được hiến từ người chết não ở Việt Nam thuộc dạng thấp trên thế giới.