Làm chủ kỹ thuật lấy, ghép mô tạng
Số liệu thống kê đến tháng 9/2019, cả nước đã thực hiện được hơn 4.200 ca ghép tạng, trong đó ghép thận là gần 4.000 ca, ghép tủy gần 600 ca, còn lại là ghép gan, tim, phổi và các loại mô tạng khác. Riêng trong năm nay, tính đến đầu tháng 11, tổng số ca ghép tạng là 521 ca.
Theo Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam GS.TS Phạm Gia Khánh, Việt Nam đang dần làm chủ được kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng. Số ca được ghép tạng tại Việt Nam đã tăng rất nhanh trong 4 năm gần đây, số ghép năm sau nhiều hơn năm trước khoảng 100 ca.
Những năm qua Bệnh viện Việt Đức đã ghép mô, tạng thành công nhiều ca bệnh nặng. Đặc biệt tháng 8/2019, Bệnh viện đã thực hiện thành công 15 ca ghép tạng một tuần, trong đó có 10 ca ghép tạng từ người hiến chết não, 5 ca ghép tạng từ người cho sống và được Bộ Y tế khen tặng. Cũng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, lần đầu tiên các bác sĩ đã thực hiện chia gan từ người cho chết não để ghép cho hai người bệnh suy gan và ung thư gan.
Năm 2019, Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã thực hiện thành công đồng thời 2 ca ghép tạng xuyên Việt gồm 1 ca ghép tim và 1 ca ghép gan từ một người cho chết não tại Hà Nội.
Sau hơn ba năm đi vào hoạt động, Trung tâm Ghép mô và bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công 42 ca ghép thận, 14 ca ghép gan (13 ca từ người cho sống, trong đó có một ca ghép cấp cứu một ca lấy từ người cho chết não), 17 ca ghép giác mạc, 60 ca ghép tế bào gốc điều trị xơ gan, 1 ca ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại và 14 ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân. Chức năng các tạng sau ghép tốt, kéo dài thời gian sống, chất lượng sống cho bệnh nhân, mang lại nhiều giá trị khoa học và giá trị nhân văn sâu sắc.
Nhiều người bệnh vẫn phải chờ đợi
Mặc dù số người được ghép mô, tạng ở nước ta ngày càng tăng, kỹ thuật ghép tạng không ngừng phát triển, nhưng khó khăn lớn nhất với ngành ghép tạng của nước ta hiện nay vẫn là thiếu nguồn mô, tạng để có thể thực hiện được cấy ghép.
Theo số liệu của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép tạng, tính đến tháng 11, số người đăng ký hiến mô, tạng ở Việt Nam là hơn 30.000 người, tăng 10.000 người so với thời điểm cuối năm 2018. Mặc dù, số lượng đăng ký hiến tạng đã gấp đôi so với năm 2016, nhưng so với hơn 90 triệu dân thì đây vẫn là con số còn rất bé nhỏ.
Điều đáng nói là trong khi ở các nước phát triển, có tới hơn 90% nguồn cung cấp mô, tạng là từ các bệnh nhân chết não, chết tuần toàn, thì ở Việt Nam nguồn mô tạng chủ yếu vẫn từ người cho sống. Đến nay, số ca hiến tạng từ người cho chết não chỉ hơn 220 trường hợp. Vì vậy, rất nhiều người bệnh vẫn đang mòn mỏi chờ đợi tạng hiến để được ghép, số ít bệnh nhân có điều kiện thì phải sang nước ngoài để thực hiện ghép.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn tạng là bởi suy nghĩ tâm linh của nhiều người là khi qua đời, hiến tạng sẽ không trọn vẹn thân thể, một số mặc cảm và sợ mang tiếng. Do đó, để thay đổi được những suy nghĩ này cần có sự ủng hộ của xã hội và các cơ quan chức năng trong việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về bản chất của việc hiến tạng và ý nghĩa to lớn của nghĩa cử cao đẹp này. Mỗi người cũng nên nhận thức rằng, nếu ai đó quyết định hiến tặng mô, tạng khi không may qua đời, họ sẽ mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh khác.