Đề xuất áp dụng hình thức xét thăng hạng

GD&TĐ - Độc giả có hộp thư Riori***@gmail.com đề nghị bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Chúng tôi là những giáo viên có thâm niên công tác hơn 20 năm, với nhiều thành tích trong dạy học. Chúng tôi đề nghị bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN), thay vào đó áp dụng hình thức xét thăng hạng.

Việc này không chỉ là quyền lợi của giáo viên khi đã đủ điều kiện các giấy tờ, chứng chỉ, bằng cấp..., mà còn là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đối với nhà giáo. Chúng tôi mong các lãnh đạo nhanh chóng có quyết định để chúng tôi dồn tâm sức hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học mới! (Riori***@gmail.com).

* Trả lời:

Về đề nghị bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: Các quy định về tiêu chuẩn CDNN viên chức, thăng hạng CDNN viên chức các ngành/lĩnh vực thực hiện theo quy định chung của Quốc hội tại Luật Viên chức 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Đồng thời, thực hiện theo hướng dẫn chi tiết của Chính phủ tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Theo đó, việc thăng hạng CDNN từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp được thực hiện thông qua hình thức thi và xét (Khoản 2 Điều 31 Luật Viên chức 2010 và Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP).

Việc tổ chức thăng hạng CDNN bằng hình thức thi hay xét tại địa phương là theo lựa chọn của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng CDNN theo quy định của pháp luật. Bộ GD&ĐT không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng CDNN giáo viên và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng.

Tuy nhiên, đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN là có căn cứ. Bộ GD&ĐT nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này. Hiện, Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN.

Bộ GD&ĐT đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng CDNN giáo viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những giáo viên thực sự xứng đáng để thăng hạng CDNN trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

Mọi ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, bạn đọc gửi về chuyên mục: Hộp thư bạn đọc - Báo Giáo dục & Thời đại: 15, Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Email: bandocgdtd@gmail.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ