Đề xuất 4 nội dung trong dự thảo Luật Nhà giáo

GD&TĐ - Góp ý dự thảo Luật Nhà giáo, bà Đào Thị Hoa - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Long Biên (Hà Nội) đề xuất 4 nội dung, cùng một số kiến nghị.

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Về công tác tuyển dụng: Theo quy định tại khoản 2, Điều 7 Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định, đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện.

Điểm a, Khoản 2, Điều 26 dự thảo Luật Nhà giáo quy định: “Cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và cơ sở giáo dục công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thực hiện trực tiếp tuyển dụng nhà giáo theo kế hoạch tuyển dụng đã được cơ quan quản lý trực tiếp của cơ sở giáo dục đó phê duyệt”

Nội dung trên chưa thống nhất về thẩm quyền tuyển dụng, do đó bà Đào Thị Hoa đề xuất: Cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và cơ sở giáo dục công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thực hiện trực tiếp tuyển dụng nhà giáo theo kế hoạch tuyển dụng, đã được cơ quan quản lý trực tiếp của cơ sở giáo dục đó phê duyệt trên cơ sở báo cáo kết quả tuyển dụng với các cơ quan quản lý Nhà nước trước khi ban hành quyết định tuyển dụng.

Quy định này nhằm giao quyền tự chủ cho các cơ sở nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng tuyển dụng nhà giáo.

Trường hợp cơ sở giáo dục quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 26 không tổ chức được việc tuyển dụng thì cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó (cụ thể là phòng GD&ĐT) thực hiện việc tuyển dụng.

Về công tác đào tạo bồi dưỡng, Mục 1, Chương VI Dự thảo Luật Nhà giáo đã quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo. Tại điều 52 quy định rõ về các nội dung bồi dưỡng nhà giáo.

Khi nghiên cứu nội dung này, chúng tôi cho rằng việc bồi dưỡng nhà giáo sau tuyển dụng là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa chỉ rõ về cơ chế tài chính thực hiện nội dung này.

Bà Đào Thị Hoa đề xuất, bổ sung nội dung cơ chế tài chính cho công tác đào tạo, bồi dưỡng sau tuyển dụng trong Mục 1, chương IV dự thảo Luật Nhà giáo để các cơ quan quản lý giáo dục có cơ sở xây dựng dự toán ngân sách, đảm bảo công tác bồi dưỡng đạt hiệu quả.

NVM_1105.JPG
Bà Đào Thị Hoa - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Long Biên.

Về thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo. Tại Chương V, dự thảo Luật Nhà giáo đã xây dựng cụ thể, rõ ràng đối với chế độ chính sách cho Nhà giáo, cụ thể là Nhà giáo làm việc tại các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước quy định tại khoản 1, Điều 5 Dự thảo Luật Nhà giáo gồm Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT có vai trò quan trọng trong công tác định hướng, phát triển, đào tạo bồi dưỡng nhà giáo lại chưa được quan tâm; chế độ lương còn thấp, không được hưởng phụ cấp nhà giáo, phụ cấp thâm niên.

Bà Đào Thị Hoa đề xuất, bổ sung chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước trong Luật Nhà giáo.

Về công tác đánh giá chất lượng đội ngũ. Hiện nay, công tác đánh giá nhà giáo căn cứ vào các quy định về thông tư hướng dẫn chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn Hiệu trưởng và một số quy định đặc thù của ngành cũng như của Thành phố.

Tuy nhiên, tại Mục 4, Chương IV dự thảo Luật Nhà giáo xây dựng quy định đánh giá, xếp loại nhà giáo. Trưởng phòng GD&ĐT quận Long Biên đề xuất: Cần có sự thống nhất trong phương thức đánh giá nhà giáo và có tiêu chí cụ thể để công tác đánh giá đảm bảo khách quan, công bằng, có tác dụng khích lệ nhà giáo hoàn thiện và phát triển năng lực của bản thân.

Ngoài những nội dung kiến nghị góp ý trong dự thảo Luật nhà giáo, để công tác quản lý nhà nước đối với nhà giáo tại các cơ sở giáo dục đạt hiệu quả, bà Đào Thị Hoa kiến nghị

Đối với Bộ GD&ĐT cần rà soát, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến nhà giáo, đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán và khả thi.

Thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GD&ĐT với các cơ quan liên quan như Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để giải quyết các vấn đề liên quan đến nhà giáo một cách hiệu quả và đồng bộ.

Đối với Sở GD&ĐT cần tham mưu với UBND thành phố phân cấp, trách nhiệm tuyển dụng để công tác tuyển dụng đạt hiệu quả. Tham mưu với UBND thành phố quan tâm, xây dựng cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ và phúc lợi cho nhà giáo và các cán bộ quản lý làm việc tại Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT; cơ chế đặc thù đối với giáo dục trong công tác luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ quản lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ