Đề cao vai trò, vị trí của nhà giáo
Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) ghi nhận, dự thảo Luật Nhà giáo có chương mục rõ ràng, chi tiết, dễ hiểu; quan tâm tới nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của nhà giáo.
Dự thảo luật nhiều điểm mới, đề cao vai trò, vị trí của nhà giáo, hiểu công việc đặc thù của nhà giáo trong đổi mới giáo dục. Trong đó có sự chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, phẩm chất nhà giáo…
“Tôi tin rằng, với những ai chọn bục giảng làm nghề đều thấy phấn khởi vì được Luật Nhà giáo bảo vệ và được làm nghề theo những chỉ dẫn cần thiết từ Luật định” – cô Nguyễn Thị Nhiếp bày tỏ.
Đa số nhà giáo đều mong muốn được làm việc, được cống hiến, được ghi nhận. Nhìn chung, dự thảo Luật Nhà giáo hướng tới việc tạo ra khung pháp lý hoàn chỉnh và đồng bộ để phát triển đội ngũ nhà giáo, nâng cao chất lượng giáo dục, và đảm bảo các quyền lợi chính đáng cho giáo viên.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp.
Góp ý cụ thể, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An nêu ý kiến, Mục 3 “Sử dụng nhà giáo” gồm 5 điều (từ điều 32 đến điều 36), quy định rõ chế độ làm việc, điều động, thuyên chuyển, biệt phái nhà giáo và nhà giáo dạy liên cơ sở giáo dục.
Riêng quy định về nhà giáo dạy liên cơ sở (Điều 36) khá hay, thể hiện sự phù hợp và cập nhật thực tiễn, vừa tinh giản biên chế, vừa kết nối và chia sẻ nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, trong Mục a) Khoản 3 Điều 32 quy định, thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp, cần quy định khoảng thời gian nghỉ, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm từ 6 - 8 tuần để các địa phương thuận tiện bố trí, tránh trường hợp tự mình trói buộc mình.
Ví dụ: Tại Hà Nội, ở cấp THPT đa số các nhà giáo làm công tác tuyển sinh vào lớp 10, thi Tốt nghiệp THPT hết tháng 6. Tháng 7 làm nhiệm vụ chấm thi tốt nghiệp, tham gia công việc tuyển sinh vào 10 của trường mình. Sau đó lại đến xây dựng kế hoạch giáo dục cho năm học mới… nên khó để được thời gian nghỉ 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
Nếu chúng ta không cân nhắc lại, sau này dư luận có thể đặt vấn đề giáo viên được “nghỉ treo”, “nghỉ trên giấy”. Khi luật không đồng hành cùng đời sống, sẽ trở nên bất cập.
Bảo đảm quy định về chế độ làm việc
Đáng chú ý, trong Khoản 5 Điều 32 quy định: “Hiệu trưởng hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục theo thẩm quyền có thể bố trí nhà giáo thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm nhưng phải bảo đảm quy định về chế độ làm việc, phù hợp với năng lực của nhà giáo, bảo đảm công bằng giữa các nhà giáo trong cơ sở giáo dục và có sự đồng thuận của nhà giáo đó”.
Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An băn khoăn cụm từ “có sự đồng thuận của nhà giáo đó”, bởi thực tiễn những nhà giáo giỏi, có năng lực, đã làm tốt việc chính, lại còn khẳng định vai trò xuất sắc khi được phân công nhiệm vụ kiêm nhiệm.
Trong khi đó, có những nhà giáo năng lực nghề nghiệp còn yếu, ứng xử sư phạm không tốt, Ban giám hiệu xếp dạy lớp nào thì học sinh, phụ huynh lớp đó đều có ý kiến và kiến nghị xin đổi giáo viên.
Để giảm áp lực và cũng tránh thiệt thòi cho học trò, nhiều nhà trường xếp giáo viên đó có số giờ dạy ít và phân công làm kiêm nhiệm việc khác để đảm bảo đủ số giờ làm việc.
Những nhà giáo này thường không nhận thức được và chưa đánh giá đúng năng lực nghề nghiệp của mình nên thường không hợp tác, gây khó khăn cho công tác sắp xếp tổ chức, đảm bảo chất lượng giáo dục của nhà trường.
Mục 4 “Đánh giá nhà giáo” gồm 6 điều (từ điều 37 đến điều 42), quy định mục đích của đánh giá nhà giáo; nguyên tắc và căn cứ đánh giá nhà giáo; nội dung đánh giá nhà giáo; xếp loại đánh giá nhà giáo; trách nhiệm đánh giá, xếp loại nhà giáo; thông báo kết quả đánh giá, xếp loại nhà giáo. Tại mục này, các điều được quy định rõ ràng, phù hợp với kế tiếp thực tiễn đang thực hiện.
Mong muốn của nhà giáo làm công tác quản lý là, các văn bản dưới Luật quy định rõ, định lượng được tiêu chuẩn, tiêu chí của mỗi loại xếp loại đánh giá nhà giáo, để việc xếp loại giáo viên được chính xác, công bằng; khuyến khích, động viên nhà giáo phát triển năng lực nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Từ những phân tích nêu trên, cô Nguyễn Thị Nhiếp đề xuất: Thứ nhất, Mục a, Khoản 3, Điều 32 quy định: “Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt từ 6 - 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm”.
Thứ hai: Khoản 5 Điều 32 bỏ cụm từ “có sự đồng thuận của nhà giáo đó”.
Thứ ba: Văn bản dưới Luật quy định về đánh giá xếp loại giáo viên cần có bộ tiêu chí đánh giá và phân loại nhà giáo rõ ràng, chi tiết, cụ thể, định lượng được.
"Tôi tin tưởng, khi có Luật Nhà giáo sẽ giúp chuẩn hóa việc sử dụng nhà giáo đúng người, đúng việc cũng như đánh giá nhà giáo chính xác, công bằng. Nhờ đó sẽ thúc đẩy mỗi nhà giáo tích cực tự học và sáng tạo “Tự học, tự vươn xứng làm thầy”, góp phần quan trọng vào việc phát triển nền Giáo dục nước nhà" - cô Nguyễn Thị Nhiếp.