Để trò chủ động chọn nghề

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Việc trường đại học chủ động tuyển sinh, không chỉ chờ điểm thi tốt nghiệp THPT là phù hợp với tinh thần tự chủ đại học và xu thế thế giới.

Sinh viên Đại học Huế trong ngày vui đến trường. Ảnh minh họa
Sinh viên Đại học Huế trong ngày vui đến trường. Ảnh minh họa

Đa phần các trường phổ thông đã nắm bắt được thông tin này và có những kế hoạch riêng để định hướng tốt hơn cho người học.

Không ảnh hưởng nhiều đến giảng dạy

Thay đổi theo hướng giảm chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp được cho là không ảnh hưởng nhiều đến việc giảng dạy trong trường THPT. Theo thầy Trần Quang Huy, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn, Vĩnh Long), nhiều năm qua, học sinh của trường được tư vấn các hình thức xét tuyển vào ĐH nên đã chuẩn bị tốt tâm thế.

Bên cạnh đó, để đỗ ĐH, nếu không dùng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, các em phải phấn đấu thật nhiều trong học tập để có kết quả cao nhất trong các kỳ kiểm tra của nhà trường, cũng như các kỳ thi đánh giá năng lực do trường ĐH tổ chức.

Cùng quan điểm, dưới góc nhìn giáo viên bộ môn, cô Phạm Thị Hải Yến, Trường THPT Minh Châu (Yên Mỹ, Hưng Yên) cho rằng: Dù các trường ĐH xét tuyển theo hình thức nào đều dựa trên nội dung kiến thức và yêu cầu cần đạt trong chương trình giáo dục phổ thông. Để giúp học sinh vừa đạt kết quả tốt trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa thành công xét tuyển vào ĐH, giáo viên cần xây dựng kế hoạch giảng dạy, ôn tập từng chủ đề cụ thể, chi tiết và theo sát đối tượng.

“Như vậy, chuẩn bị kiến thức, tâm thế cho học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp, cũng như xét tuyển vào ĐH phải tiến hành từ đầu khoá học. Trong đó có trang bị kiến thức cơ bản, công tác hướng nghiệp, phân luồng tốt, nâng cao kết quả học tập lớp 12 theo hướng bền vững” - cô Phạm Thị Hải Yến chia sẻ.

Lưu ý tăng dần các bài tập mở, gần gũi với thực tế đời sống, tích hợp liên môn giúp học trò vừa nắm vững kiến thức nền tảng, vừa linh hoạt trong việc giải quyết vấn đề. Thầy cô cũng cần hình thành năng lực chủ động, sáng tạo, phát triển các kỹ năng, từ đó các em không bị động trong các bài thi tốt nghiệp hay đánh giá năng lực. Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm làm tốt công tác tư vấn cho học sinh chọn môn thi, khối thi phù hợp năng lực, sở trường từng em.

Cô Lê Thị Xuân Diễm, Trường THPT Lê Quý Đôn (Bình Đại, Bến Tre) thì nhấn mạnh việc tư vấn sớm để học sinh cân nhắc thật kỹ việc lựa chọn ngành học theo đúng nguyện vọng, năng lực của bản thân và tài chính gia đình. Từ đó mới giúp các em lên kế hoạch định hướng tập trung cho các môn học chủ lực đúng ngành học đã lựa chọn.

Tại Trường THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Tùng cho biết: Nhà trường vẫn triển khai dạy đúng, đủ theo chương trình phổ thông, giúp học sinh đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng để dự thi tốt nghiệp. Song song với đó là “Chương trình nhà trường” gắn sát hơn với các kỳ thi đánh giá năng lực của một số trường ĐH, tập trung ở một số điểm sau:

Tổ chức trao đổi, tập huấn cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, bộ môn biết được xu thế mới của tuyển sinh đại học. Truyền thông đến học sinh và cha mẹ học sinh thông tin mới nhất về định hướng tuyển sinh của các trường ĐH trong cả nước. Các bộ môn phải xây dựng “Chương trình nhà trường” ở phần nâng cao, tiệm cận kiến thức, kỹ năng của các kỳ thi đánh giá năng lực do trường ĐH tổ chức.

Hỗ trợ học sinh các phần kiến thức nâng cao, hoặc mức vận dụng cao thông qua các chủ đề dạy học ở mỗi khối lớp có nhu cầu khác nhau về hướng nghiệp. Chủ động cho học sinh tiếp cận đề thi mẫu của các kỳ thi đó. Cuối cùng, cập nhật thường xuyên cho học sinh lịch thi của các kỳ thi đánh giá năng lực của một số trường ĐH trong toàn quốc. Tư vấn sát, tránh để học sinh tham gia dự thi một cách tràn lan, tốn kém.

Thí sinh có quyền lợi trong việc lựa chọn phương thức tuyển sinh. Ảnh minh họa

Thí sinh có quyền lợi trong việc lựa chọn phương thức tuyển sinh. Ảnh minh họa

Chuẩn bị kế hoạch ôn tập dài hạn

Trường THPT Vĩnh Xuân (Vĩnh Long) đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, đề ra phương hướng nhiệm vụ ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Thầy Hiệu trưởng Trần Quang Huy thông tin, ngay từ đầu năm học, học sinh được đăng ký các bài thi tốt nghiệp THPT để chuẩn bị kế hoạch ôn tập dài hạn.

Lộ trình ôn tập chia thành 3 đợt (học kỳ I, học kỳ II và đợt tổng ôn); có kiểm tra, đánh giá giữa đợt và cuối đợt. Các thành viên trong ban giám hiệu được phân công theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, dự giờ từ 2 - 3 bộ môn/người và thực hiện xuyên suốt trong các kỳ ôn tập. Cùng với đó, học sinh được tổ chức thi thử để tiếp cận với kỳ thi.

Để giúp học sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh, thầy Trần Quang Huy cho rằng, trước hết cần làm tốt khâu tuyên truyền đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về các công văn chỉ đạo có liên quan của Bộ/Sở GD&ĐT. Cùng với đó, phối hợp với sở GD&ĐT, trường ĐH tiến hành tư vấn cho học sinh tại trường, hoặc tham quan trường ĐH để các em có được thông tin chính thống.

Chỉ đạo tổ chuyên môn soạn thống nhất nội dung ôn tập chung, trong đó chú ý phân loại theo từng đối tượng. Trong dạy ôn tập chú ý đến 3 nội dung ôn -luyện - rèn. Thường xuyên cập nhật các đề thi tốt nghiệp THPT vào tiết ôn tập để khắc sâu kiến thức cho học sinh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá.

“Nhà trường tổ chức lớp nâng chất lượng cho học sinh đối với bài thi bắt buộc như: Toán, Tiếng Anh. Phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, đoàn thanh niên thường xuyên hỗ trợ dò bài và hướng dẫn học sinh học tập. Học sinh nhà trường còn được tổ chức ôn tập thông qua các cuộc thi, như: Giải toán bằng máy tính cầm tay, Rung chuông vàng (với môn Tiếng Anh), hoặc những trò chơi trong các tiết ôn tập tùy theo từng đặc trưng bộ môn.

Giáo viên bộ môn cho học sinh giải đề tham khảo của Bộ GD&ĐT để rút kinh nghiệm trong quá trình học tập, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra năng lực của học sinh và gửi thông tin về ban giám hiệu. Học sinh có thành tích xuất sắc được tuyên dương, khen thưởng kịp thời qua tổng kết từng học kỳ” - thầy Trần Quang Huy cho hay.

Tại Đắk Lắk, ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định, địa phương sẽ chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; trong đó đặc biệt lưu ý chất lượng dạy học, ôn tập để học sinh tự tin trước kỳ thi và tuyển sinh ĐH. Sở GD&ĐT chỉ đạo đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề thi phục vụ cho kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ các môn học ở cấp THPT tiếp tục được chú trọng. Cơ sở giáo dục trên địa bàn phân tích đánh giá các dữ liệu kết quả thi tốt nghiệp năm 2022 để rút kinh nghiệm, làm cơ sở triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ