Để trẻ nhỏ được an toàn

GD&TĐ - Tai nạn thương tích, bạo hành, xâm hại, thiếu kiến thức về kỹ năng sống, giới tính… là những hiểm nguy luôn rình rập trẻ. Nó có thể xảy ra ngay trong gia đình, tại nhà trường hay ngoài xã hội. Những tai nạn trên, dù xảy ra ở mức độ nào đều để lại hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe, đặc biệt là tinh thần, sự phát triển của trẻ.

Để trẻ nhỏ được an toàn

Tai họa luôn rình rập

Tai nạn, thương tích trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu. Mỗi năm, trên toàn thế giới có 900.000 ca trẻ em tử vong do tai nạn và thương tích, tương đương với gần 2.500 em tử vong mỗi ngày. Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, giai đoạn 2010 - 2014, trung bình mỗi ngày có khoảng 580 trẻ bị tai nạn, thương tích các loại (tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, điện giật, bỏng). Tai nạn thương tích là nguyên nhân hàng đầu gây khuyết tật cho trẻ em và có thể kéo dài suốt cuộc đời. Tai nạn thương tích cũng là nguyên nhân khiến mỗi ngày có hàng chục gia đình phải chịu cảnh mất mát, đau thương vì sự ra đi mãi mãi của con em mình.

Một mùa hè vừa bắt đầu nhưng cả nước đã ghi nhận nhiều vụ đuối nước trẻ em nghiêm trọng. Chỉ tính riêng 10 ngày đầu tháng 5 đã xảy ra 5 vụ đuối nước làm tử vong nhiều trẻ. Chỉ tính riêng 10 ngày đầu tháng 5 đã xảy ra 5 vụ đuối nước nghiêm trọng. Điển hình nhất là 3 học sinh lớp 1 đuối nước dưới kênh tại Long An, nữ sinh lớp 7 đuối nước tại Khánh Hòa, 3 học sinh lớp 11 tử vong khi tắm biển tại Nam Định rồi 6 học sinh đuối nước tại Quảng Ngãi…

Ngoài tai nạn thương tích, xâm hại và bạo hành trẻ em đang nổi lên, trở thành nỗi nhức nhối trong xã hội. Đó là việc một bảo vệ xâm hại 23 cháu gái ở trường tại Lào Cai. Một thầy giáo luồn tay qua nách học sinh nữ để hướng dẫn bài tập. Một nghệ sĩ bị bắt ở nước ngoài với cáo buộc xâm hại tình dục trẻ em. Trong gia đình, ngoài việc bị bạo hành, trẻ cũng phải đối mặt với nguy cơ xâm hại từ người thân trong gia đình, hàng xóm. Có rất nhiều vụ cha dượng, thậm chí cha đẻ xâm hại con gái được phản ánh trong thời gian vừa qua. Rồi tình trạng giáo viên đánh học sinh liên tục xảy ra tại các cơ sở mầm non ngoài công lập, học sinh đánh nhau…

Báo cáo của các địa phương cho thấy, trong 5 năm, cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam. Năm 2011, lực lượng chức năng bắt hơn 1.000 đối tượng đến năm 2015 con số tăng lên hơn 1.400 đối tượng.

Kỹ năng sinh tồn bị coi nhẹ

Trẻ bị tai nạn, bạo hành, xâm hại diễn ra quanh năm, từ trẻ nhỏ đến lớn chứng tỏ các em chưa được trang bị kỹ năng để sinh tồn, kỹ năng sống để ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Thị Hải Hà, tai nạn, thương tích trẻ em ở nước ta cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước phát triển cho dù chúng ta có hẳn chương trình phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ giai đoạn 2013 - 2015 và 2016 - 2020 cũng như chỉ thị, công điện về phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em. Rồi đến hẹn, mỗi năm lại có Tháng hành động vì trẻ em. Nhưng tai nạn, thương tích, bạo hành và xâm hại trẻ vẫn diễn ra. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng không thể không kể đến việc không ít địa phương chưa coi trọng việc phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em trong khi môi trường sống và môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Bản thân gia đình cũng chưa nhận thức đầy đủ, chưa trang bị kỹ năng phòng ngừa tai nạn, kỹ năng ứng phó với tình huống cho trẻ.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên Nguyễn Vân Anh cho rằng, đã đến lúc đưa chương trình giáo dục bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em cho trẻ em từ bậc mầm non, tiểu học tới THPT với các kiến thức, kỹ năng phù hợp với lứa tuổi, để giúp các em hiểu và chủ động bảo vệ mình. Đẩy mạnh công tác giám sát thực thi pháp luật tại địa phương, đặc biệt các luật liên quan tới các vấn đề của phụ nữ và trẻ em để trẻ được sống trong môi trường an toàn, phát triển về thể chất tiếp đó với đến tiếp cận với giáo dục và nhiều kiến thức khác.

Theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, có 31% em gái vị thành niên và thanh niên đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng. 11% học sinh tại 30 trường phổ thông của Hà Nội từng bị xâm hại, quấy rối tình dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ