Đây là mục tiêu và ưu tiên của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam giai đoạn này. Với dự án "Tạo cơ hội bình đẳng trong giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số", Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã giúp Trẻ em DTTS gặp nhiều khó khăn tại Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên được tiếp xúc với các khái niệm trừu tượng như cộng, trừ, nhân, chia, đếm và xác định phương hướng… để các em học tốt hơn, tự tin hơn khi bước vào lớp 1.
Khuyến khích trẻ làm quen với toán và đọc - viết để cải thiện mức độ sẵn sàng đi học
Sự quan tâm của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã tạo điều kiện cho nhiều trẻ em người Mông, Dao, Thái và Lào tại xã Phì Nhừ và xã Mường Luân tại huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên được tiếp cận với toán và đọc – viết giúp các em tự tin hơn, đến lớp đều hơn. Vì ngôn ngữ giảng dạy trong trường mầm non cũng là tiếng Việt, nên khi trẻ DTTS bắt đầu học tiếng Việt ở đây, trẻ sẽ học tốt hơn và nhanh hơn thông qua trò chơi.
Do vậy, các trò chơi và hoạt động không chỉ để vui chơi hay tương tác trong môi trường học tập mà còn là cầu nối ngôn ngữ cho trẻ. Trẻ mầm non cũng tương tự như các em HS lớp 1, các em đều bước vào môi trường hoàn toàn mới. Các hoạt động bổ trợ từ bộ tài liệu hỗ trợ phát triển kĩ năng làm quen với toán và đọc viết sẽ giúp HS tự tin hơn và theo kịp các tiết học chính khóa nhanh hơn.
Thêm vào đó, các trợ giảng của dự án “Tạo cơ hội bình đẳng trong giáo dục cho trẻ em DTTS” (dự án kết thúc vào tháng 7/2016) sẽ được huy động để hỗ trợ GV mầm non thúc đẩy các kĩ năng làm quen với toán và đọc viết cho trẻ từ 3 – 6 tuổi tại trường mầm non và lớp một.
Theo bà: Bà Lê Thị Thùy Dương, Quản lí Chương trình Giao dục, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho biết: Dự án sử dụng bộ công cụ ELM là sáng kiến hỗ trợ kỹ năng làm quen với toán và đọc - viết của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế đang được triển khai tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như Bhutan, Nepal, Indonesia, Campuchia, Bangladesh, Ai Cập, Pakistan…
Bộ công cụ đã được dự án tập huấn cho 55 cán bộ quản lý và GV tại Trường Mầm non Phì Như, Trường Mầm non Pá Vạt và Trường Tiểu học Chua Ta. Ngoài ra, dự án cũng tăng cường mối liên kết với gia đình thông qua hợp phần kỹ năng làm quen với toán và đọc viết tại nhà với sự tham gia của 197 phụ huynh.
Để đánh giá tác động của Bộ công cụ này, dự án sử dụng hệ thống đánh giá IDELA để đo sự tiến bộ của trẻ. IDELA gồm 24 câu hỏi đánh giá, bao gồm 4 lĩnh vực phát triển của trẻ và 2 hạng mục thuộc chức năng điều hành của não bộ.
Hệ thống này còn giúp phát hiện sớm các lĩnh vực phát triển còn thiếu hụt ở trẻ. Từ đó nhà trường và gia đình có thể đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời.
Tập huấn cho giáo viên và phụ huynh những kỹ năng cần thiết
Để giúp các trẻ em DTTS có điều kiện học tập tốt nhất, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã triển khai việc tập huấn cho phụ huynh, GV mầm non và lớp 1về kĩ năng làm quen với toán và đọc viết với môi trường học tập đặc thù tại Việt Nam; cung cấp cho GV tài liệu tập huấn và hỗ trợ cần thiết; tạo điều kiện trong việc tạo ra môi trường đọc viết trong lớp học bằng cách cung cấp các trò chơi và hoạt động được thiết kế để khuyến khích các kĩ năng làm quen với toán và đọc viết của trẻ.
Sau đợt tập huấn, GV sẽ tích hợp nội dung của hỗ trợ kĩ năng làm quen với toán và đọc viết vào chương trình dạy học hàng ngày của mình. Sẽ có 15 tiết dạy mẫu được thực hiện hàng tháng cho GV học tập và chia sẻ kinh nghiệm.
Trong mỗi tiết dạy mẫu, một GV tại trường dự án sẽ là người dạy mẫu tiết học có tích hợp nội dung hỗ trợ kĩ năng làm quen với toán và đọc viết với nội dung tiết học thông thường. Các GV khác của trường sẽ đến để quan sát tiết học, sau đó họp để chia sẻ phản hồi và đóng góp của mình để cải thiện các tiết học về sau.
Cùng với việc tập huấn cho GV, phụ huynh cũng được trang bị các kĩ năng hỗ trợ việc học cho con tại nhà bằng cách đánh giá lại và cải biên nội dung sinh hoạt câu lạc bộ cha mẹ hiện có của tổ chức để phù hợp hơn với bối cảnh địa phương của các xã dự án. Các tài liệu tập huấn được triển khai tới 200 phụ huynh trong 8 buổi sinh hoạt câu lạc bộ tại 2 xã dự án để cung cấp cho các cha mẹ kiến thức và kĩ năng về sự phát triển của trẻ, và quan trọng hơn cả, các phương tiện để hỗ trợ sự phát triển sớm của con mình.
Ngoài ra tổ chức Cứu trợ Trẻ em còn tổ chức một cuộc tập huấn kéo dài ba ngày cho một số GV và cha mẹ cốt cán về hỗ trợ kĩ năng làm quen với toán và đọc viết tại nhà. Những thành viên cốt cán này sẽ truyền thụ lại kiến thức và kĩ năng học được cho phụ huynh thông qua sinh hoạt câu lạc bộ cha mẹ.
Các tài liệu hướng dẫn sẽ được và phân phát cho các phụ huynh và GV tham gia, đưa ra hướng dẫn về trò chơi và bài hát tiếng địa phương có thể được sử dụng để phát triển kĩ năng làm toán và đọc viết của trẻ tại nhà.
Thông qua bộ công cụ và các buổi tập huấn, phụ huynh có thể tự sáng tác các câu chuyện mang tính giáo dục và chủ động sắp xếp thời gian chơi với trẻ. Các cha mẹ cũng sẽ được khuyến khích để áp dụng hỗ trợ kĩ năng làm quen với toán và đọc viết cho các trẻ khác trong gia đình cũng như kết hợp với các phụ huynh khác để tạo thành các nhóm chơi cho nhiều trẻ.
Với những hoạt động này, trẻ DTTS sẽ có môi trường học tập tốt hơn, phương pháp giảng dạy có chất lượng hơn, và nhiều cơ hội để cải thiện kĩ năng làm Toán và tiếng Việt của mình.
Điện Biên Đông được Chính phủ liệt kê là một trong 61 huyện nghèo nhất ở Việt Nam, trong tổng số hơn 500 huyện trên cả nước, và nằm trong danh sách ưu tiên của Chính phủ và các nhà tài trợ. Tỷ lệ hộ nghèo trong huyện vượt quá 50%, với dân tộc thiểu số chiếm hơn 95% dân số. các dân tộc chính là H’Mông, Dao, Lào và Thái.
So với các trẻ đồng trang lứa người Kinh, trẻ DTTS đang theo học tại các trường tiểu học có điểm số Tiếng Việt và Toán thấp hơn hẳn. Theo Chuẩn Quốc gia dành cho trẻ 3 – 5 tuổi, các em cần biết 40% trong tổng số 29 chữ cái trong bảng chữ cái. Tuy nhiên, trẻ DTTS chỉ có thể nhận biết cao nhất là 20% số lượng chữ cái. Do vậy, chỉ có 6 – 10% số trẻ học hết lớp 3 có thể trả lời câu hỏi bằng một câu tiếng Việt đầy đủ. (Khảo sát Đầu kì, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, 2010).