Tạo cơ hội bình đẳng trong Giáo dục cho trẻ em DTTS

GD&TĐ - Ngày 22/5 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo tổng kết đánh giá và đề xuất giải pháp duy trì tính bền vững cho Dự án "Tạo cơ hội bình đẳng trong giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số" do Tổ chức Cứu trợ trẻ em tổ chức.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại Hội thảo
Các đại biểu tham gia ý kiến tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Tổ chức Cứu trợ Trẻ em; cán bộ Dự án; lãnh đạo các tỉnh Điện Biên và Lào Cai và các thầy cô giáo và các trợ giảng trong địa bàn Dự án tại hai tỉnh Điện Biên và Yên Bái.

Hiện tại Dự án vẫn đang tiếp tục triển khai tại hai địa bàn huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) và Văn Chấn (Yên Bái), với phần lớn ngân sách dùng để duy trì vị trí trợ giảng trong các trường Mầm non và Tiểu học thụ hưởng từ giai đoạn trước.

Tuy không có các hoạt động đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên các trường, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cũng luôn nỗ lực trong việc hỗ trợ các đối tác cấp cơ sở trong việc áp dụng mô hình giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ.

Hội thảo lần này đã thảo luận chuyên sâu hơn với các đối tác về chiến lược cụ thể để bảo tồn thành quả của dự án, cũng như việc truyền bá sâu rộng hơn phương pháp giáo dục đặc thù này.

Các cô trợ giảng có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác trợ giảng với nhau để cùng có nhưng phương pháp phù hợp giúp học sinh học tiếng Việt tốt hơn.

Bên cạnh đó, cán bộ Dự án và các Sở, Phòng GD&ĐT được hưởng thụ Dự án cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được và đưa ra những phương hướng khắc phục, khó khăn hạn chế còn tồn tại; cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai và giảng dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số; thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” của Bộ GD&ĐT.

Dự án đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng Giáo dục dân tộc thiểu số:

Bộ tài liệu Hướng dẫn về mô hình đổi mới sinh hoạt chuyên môn đã được dự án Mô hình trường học mới (GPE-VNEN) áp dụng trong công văn số 80/KH-BGDĐT của Bộ GD&ĐT nhằm đưa vào thực hiện tại 1.447 trường học trên cả nước.

Từ năm 2014, bộ tài liệu "Hướng dẫn giáo viên dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai cho học sinh DTTS" của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã chính thực được bộ GD&ĐT sử dụng làm chương trình dạy học cho sinh viên sự phạm khối ĐH, CĐ của 33 tỉnh miền núi trong cả nước.

Nâng cao nhận thức toàn diện vấn đề giáo dục song ngữ cho trẻ em dân tộc thiểu số cho các bên có liên quan ở trong và ngoài nước thông qua các hội thảo diễn đàn giáo dục quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ