Để tỏi Lý Sơn ổn định đầu ra

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Làm gì để đầu ra cho tỏi Lý Sơn được ổn định, là câu hỏi không dễ trả lời.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hôm 1/7, tại đảo Lý Sơn, Công ty CP hàng tiêu dùng Masan (Masan consumer) kết hợp với chính quyền địa phương và Sở NN&PTNT Quảng Ngãi tổ chức chương trình Nâng tầm đặc sản tỏi Lý Sơn và Lễ ký kết cung ứng dài hạn tỏi Lý Sơn. Theo đó, sản phẩm Nam Ngư ớt tỏi Lý Sơn sẽ do nhãn hàng Nam Ngư (thuộc Masan consumer) nghiên cứu, chế biến, trong đó có sử dụng 100% tỏi Lý Sơn.

Việc có một doanh nghiệp chế biến thực phẩm hàng đầu như Masan consumer “để mắt” đến và bao tiêu sản phẩm đã thắp lên tia hy vọng về sự ổn định đầu ra cho tỏi Lý Sơn - một loại đặc sản đã tồn tại trên hòn đảo này mấy trăm năm qua nhưng luôn bấp bênh đầu ra.

Làm gì để đầu ra cho tỏi Lý Sơn được ổn định, là câu hỏi không dễ trả lời. Từ nhiều năm qua, chính quyền địa phương và một vài doanh nghiệp chuyên tiêu thụ tỏi Lý Sơn đã xoay đủ cách, song tỏi Lý Sơn luôn trong tình trạng “được mùa mất giá” và ngược lại. Người trồng tỏi chưa bao giờ yên tâm với thành quả lao động từ cây tỏi của mình.

Nhiều nông dân Lý Sơn đã tính đến phương án “chân biển chân đồng”, tức là một nửa làm nông (trồng tỏi và hành tím), còn một nửa thì ra biển đánh cá. Nếu công việc đánh cá hanh thông thì dần dần sẽ thu hẹp diện tích cây tỏi, thậm chí xóa tên luôn, chuyển sang trồng các loại cây khác như bắp, mè, đậu đỗ.

Tuy nhiên, phương án trên có lúc đứng trước nguy cơ phá sản do việc đánh bắt hải sản ngày càng khó khăn nên trồng tỏi vẫn là cách để gắn bó với hòn đảo này lâu dài.

Mỗi năm nông dân Lý Sơn sản xuất được khoảng 3.000 tấn tỏi, trên diện tích 300 ha. Nếu bán mỗi ký tỏi khô 90 - 100 nghìn đồng thì còn có lời chút ít nhưng có năm như hai vụ tỏi vừa rồi, giá mỗi ký tỏi tụt xuống còn 30 - 40 nghìn đồng thì lỗ nặng.

Việc Masan consumer cam kết bao tiêu sản phẩm dài hạn tỏi Lý Sơn là tín hiệu vui, song không có nghĩa những người trồng tỏi ở hòn đảo này vẫn duy trì tập quán canh tác kiểu cũ. Nghĩa là, mỗi năm vẫn sử dụng 600 tấn phân hóa học và 40 tấn thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất tỏi như lâu nay. “Nếu không dùng thuốc bảo vệ thực vật và bón phân hóa học thì không thu hoạch được ký tỏi nào!”. Đây là câu nói thường gặp ở bất cứ người trồng tỏi nào ở Lý Sơn.

Cần lưu ý rằng Masan consumer có “bao tiêu sản phẩm tỏi” 100% thì cũng phải trên cơ sở tỏi sạch, đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì các sản phẩm của họ không chỉ bán cho người tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu nữa. Do đó, nếu tỏi Lý Sơn lấy danh nghĩa “tỏi sạch” mà nhiễm bẩn từ việc bón phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ tẩy chay.

Dĩ nhiên, một khi đã cam kết cung ứng dài hạn tỏi Lý Sơn để chế biến thực phẩm thì bên bao tiêu sẽ có những chương trình hướng dẫn canh tác tỏi theo phương pháp mới, đúng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Có 50 nông dân tiêu biểu chuyên trồng tỏi Lý Sơn có mặt trong buổi ký cam kết hôm đó, chắc chắn sẽ là những “hạt nhân” tiếp thu phương pháp canh tác mới một khi cán bộ kỹ thuật và các chuyên gia về tận ruộng để hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây tỏi cho người nông dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ