Vì vậy họ cần được được nâng cao năng lực theo Chuẩn Hiệu trưởng để họ có thể tổ chức hỗ trợ, hướng phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên để thúc đẩy thành công học tập và hạnh phúc của mỗi học sinh.
Vẫn còn những hạn chế
Xét ở góc độ trình độ quản lý và tính chuyên nghiệp, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Quản lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) – cho rằng, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt cấp cơ sở, đang bộc lộ những hạn chế trên nhiều phương diện như:
Tính chuyên nghiệp chưa cao;Trình độ và năng lực điều hành trong quản lý còn bất cập và Năng lực chỉ đạo hoạt động giáo dục còn thiếu tính hệ thống, đôi khi xa rời thực tế, nặng về lý luận chung chung, mang tính đối phó, kém hiệu quả.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – phân tích: Thực tế hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế trong việc thực thi công vụ, khả năng tham mưu, xây dựng chính sách, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và đặc biệt là trong việc ứng dụng triển khai các phương pháp quản lý giáo dục trong xu thế phát triển của thời đại.
Cán bộ quản lý giáo dục ở các địa phương thiếu chủ động, khó khăn trong việc phát hiện và giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra từ cơ sở do kiến thức và kỹ năng của ảnh lý giáo dục còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra trình độ và năng lực điều hành trong quản lý còn bất cập, làm việc dựa vào kinh nghiệm cá nhân, ít vận dụng khoa học quản lý giáo dục như: Công tác dự báo, xây dựng chiến lược, kế hoạch và quy trình hoạt động… vào thực tiễn quản lý nhà trường, quản lý cơ sở giáo dục. Kiến thức về pháp luật, về tổ chức bộ máy, về quản lý nhân sự và tài chính còn hạn chế, lúng túng trong thực thi trách nhiệm và thẩm quyền.
“Hiện nay, Hiệu trưởng đang quản lý nhà trường theo cơ chế cũ, nặng về chấp hành, chưa phải lãnh đạo trong cơ chế thực hiện quyền tự chủ nhà trường. Điều đó có nghĩa là Hiệu trưởng đang chấp hành các nhiệm vụ dạy học mà các cấp lãnh đạo yêu cầu.
Hiệu trưởng chưa biết cách chủ động trong các công việc quản lý hoạt động dạy học theo hướng tăng cường tự chủ nhà trường. Hiệu trưởng chưa biết cách lãnh đạo việc hình thành tư duy hệ thống trong mọi thành viên, chia sẻ tầm nhìn; tạo ra những thách thức tư duy, tạo ra đổi mới cũng như lãnh đạo xây dựng nhà trường thành trường học biết học hỏi” - PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền thẳng thắn nêu quan điểm; đồng thời chỉ rõ:
Năng lực chỉ đạo hoạt động giáo dục của cán bộ quản lý còn thiếu tính hệ thống, đôi khi xa rời thực tế, nặng về lý luận chung chung, mang tính đối phó, kém hiệu quả.
HIệu trưởng cần phát triển những kỹ năng mềm để thích ứng với đổi mới giáo dục, nhằm giúp học sinh thành công trong học tập. Ảnh minh họa/internet |
Đổi mới hoạt động của hiệu trưởng
Trước thực trạng trên, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền gợi ý đổi mới hoạt động của hiệu trưởng trong hỗ trợ, hướng dẫn giáo viên phát triển năng lực nghề nghiệp.
Theo đó, hoạt động phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên cũng cần tập trung vào các nội dung như: Dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh; đổi mới phương pháp giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh,…
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – đề xuất cách thức để hiệu trưởng hỗ trợ, hướng dẫn giáo viên phát triển năng lực nghề nghiệp: Có thể chia hai giai đoạn quan trọng trong việc phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên.
Giai đoạn 1: Thiết kế hệ thống phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên; Giai đoạn 2: Triển khai hệ thống phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền lưu ý, ở giai đoạn 1 gồm các bước trong hệ thống phát triển chuyên môn giáo viên gồm 3 lĩnh vực liên quan đến nhau: thứ nhất, phát triển nhận thức cá nhân của mỗi giáo viên; thứ hai xây dựng văn bản quy định để hướng dẫn thực hiện; thứ ba, bồi dưỡng phát triển năng lực cho giáo viên cốt cán để nâng cao kiến thức và kỹ năng của các giáo viên.
Giai đoạn 2 cần chú trọng phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên là một chu trình liên tục diễn ra trong cả năm học, bao gồm 3 giai đoạn riêng biệt và ở mỗi giai đoạn đều có những hành động cụ thể: Thứ nhất là Kế hoạch; thứ 2 là hành động và giám sát; thứ 3 là đánh giá.
Để hỗ trợ Hiệu trưởng tiếp cận với các kinh nghiệm thực tiễn mới nhất, đáp ứng những thách thức thực tế trong trường học và vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm quản lý hay, cán bộ quản lý trường học cần phải: Đổi mới nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức triển khai và đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục.
Còn theo PGS Trần Ngọc Giao – nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục, để phát triển năng lực, người lãnh đạo quản lý nhà trường cần có các hoạt động và trải nghiệm thực tiễn để đảm bảo rằng chiến lược của nhà trường đã được chia sẻ một cách có hiệu quả tới đội ngũ, giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh và các thành viên cộng đồng.
Những giá trị niềm tin chính của viễn cảnh nhà trường được mô hình hóa (mô hình nhà trường phát triển năng lực) để cho tất cả các lực lượng liên quan hiểu được một cách dễ dàng. Ngoài ra, cần bảo đảm sự đóng góp của các thành viên nhà trường vào thực hiện mục tiêu được công nhận và khích lệ và huy động các lực lượng, cá nhân và tổ chức trong nhà trường tham gia vào các nỗ lực để cải tiến nhà trường và thực hiện đổi mới.
Đồng thời, chiến lược, kế hoạch lớn được thể hiện trong các chương trình, các kế hoạch và các hoạt động; xây dựng kế hoạch trong đó chỉ ra một cách rõ ràng các mục tiêu và các giải pháp thực hiện.
“Mặt khác, các thông tin đánh giá liên quan đến việc học tập của học sinh được sử dụng để phát triển chất lượng và mục tiêu hướng đến phát triển năng lực học sinh. Các thông tin liên quan đến hoàn cảnh và điều kiện gia đình của học sinh được sử dụng để xây dựng kế hoạch hoạt động dạy học, giáo dục và xây dựng mục tiêu của nhà trường…Giải quyết các vấn đề thực tiễn là cách phát triển năng lực quản lý nhanh nhất” - PGS Trần Ngọc Giao lưu ý.