Đề Vật lý đòi hỏi vận dụng tốt lý thuyết vào bài tập
Nhận xét về đề thi Vật lý trong Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, TS Bùi Đình Tú - Giảng viên Khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ nano - Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG HN) cho biết: Đề thi khá hay, bao gồm đầy đủ các phần cơ, điện, quang, vật lý hạt nhân. Ở phần đầu ngoài những câu lý thuyết thuần tuý cũng có những câu hỏi về sự hiểu biết trong vật lý, câu hỏi hiện tượng như năm trước.
Phần đầu gồm khoảng 28 câu sẽ không khó khăn với đa số thí sinh. Các bạn thí sinh sẽ cần vận dụng hiểu biết và kiến thức vật lý ở mức cơ bản và những công thức chưa cần biến đổi nhiều là làm được.
Từ câu 29 đến 34 phù hợp với các học sinh khá. Các câu từ 35 - 40 cho các học sinh phải hiểu được nguyên nhân, hiện tượng vật lý rồi thực hiện tính toán qua một số bước mới tìm ra được đáp án. Các câu hỏi này liên quan đến giao thoa ánh sáng, mạch xoay chiều, chuyển động cơ học, hạt nhân.
Đây là những câu hỏi phân loại học sinh đòi hỏi các em phải vận dụng tốt lý thuyết vào bài tập. Nhìn chung đề có tính phân loại tốt, tích hợp được các kỹ năng cần thiết trong vật lý.
Trong khi đó, cô Lê Thị Tuyết – giáo viên Vật lý Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho biết, đề thi Vật lý bám sát nội dung chương trình sách giáo khoa và trải rộng tất cả chương trình vật lý 12 cơ bản. Tuy vậy song qua xem xét đề thi có thể thấy đề có sự phân hóa cao. Đề có 24 câu thuộc mức Thông hiểu và Nhận biết; 16 câu thuộc mức vận dụng và vận dụng cao.
Các câu lý thuyết tập trung ở 24 câu đầu, có nhiều câu ở mức Thông hiểu và các em nếu nắm kiến thức cơ bản chỉ cần nhìn qua có thể chọn ngay được đáp án. Có 3 câu đồ thị, Có 4 câu Vận dụng cao tập trung ở phần Dao động cơ, Sóng cơ và Điện xoay chiều. Do đó với thời gian làm bài ít (50 phút) nên đòi hỏi học sinh phải có kĩ năng tốt thì mới có thể giành điểm cao.
Với nội dung đề thi Vật lý như năm nay, cô Tuyết đánh giá là đề rất phù hợp với mục đích xét tuyển tốt nghiệp và phân loại được thí sinh để phục vụ cho công tác tuyển sinh ở các trường ĐH - CĐ. Lê Đăng (ghi)
Đề Vật lý dài nhưng đã giảm nhẹ yêu cầu về tính toán
Theo nhận định của các thầy giáo trong tổ chuyên môn Vật lý của Hệ thống GD Hocmai:Năm nay là năm đầu tiên có sự xuất hiện nội dung của chương trình Vật lí 11 trong đề thi THPT quốc gia. Tỉ lệ câu hỏi thuộc chương trình Vật lí 11 là 17,5 %; theo đó câu hỏi thuộc lớp 12 chiếm 82,5%. Đặc biệt, có xuất hiện câu hỏi thực nghiệm là câu 28 (thuộc chương trình Vật lí 11) nhưng không yêu cầu học sinh phải được trực tiếp tiến hành thí nghiệm mà chỉ cần xử lí số liệu từ đồ thị đã cho là có thể giải quyết được. Các câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp và chỉ rơi vào một số chương trọng tâm như điện tích điện trường; dòng điện không đổi; từ trường; cảm ứng điện từ; khúc xạ ánh sáng.
Đề thi vẫn sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó nhưng ở mức tương đối, càng về sau càng có xu hướng đi lệch quỹ đạo sắp xếp. Thông thường trong đề thi, 4 câu hỏi cuối của đề thi thường rất khó nhưng ở mã đề 206, chỉ có 2 câu được xếp vào dạng rất khó, 2 câu còn lại ở mức độ đơn giản. Trong khi đó, câu 34 lại rơi vào dạng cực khó.
Đặc biệt, đề thi xuất hiện những câu hỏi yêu cầu học sinh phải hiểu bản chất Vật lí nhưng không quá nặng về mặt tính toán như mọi năm (ví dụ câu 39 - mã đề 206). Để làm được câu hỏi này, thí sinh phải có kiến thức vững chắc về cơ học ở lớp 10 kết hợp với việc phát triển kiến thức của phần cơ học trong chương trình Vật lí 12.
Như mọi năm, đề thi vẫn xuất hiện 2-3 câu hỏi về đồ thị nhưng không lạ, và không quá khó.Nhìn chung, so với đề thi năm 2017, đề thi năm 2018 có phần nhẹ nhàng hơn nhưng không xuất hiện dạng câu hỏi mới, lạ như thông lệ và tương tự đề thi tham khảo Bộ đã công bố hồi tháng 1/2018. Duyên Vũ (lược ghi)
Nhận xét đề thi môn Lý
Thầy giáo Vũ Thanh Nghị, Giáo viên Vật Lý Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, TPHCM cho biết, đề phân hóa cao đảm bảo cho xét TN và xét tuyển ĐH, CĐ. Các câu hỏi khó tập trung ở phần điện xoay chiều. Có khoảng 10 câu cuối của đề hơi khó, độ khó tăng lên vào 4 câu cuối đề thi.
Phần lớp 11 có khoảng 20% như tính toán về phần điện, quang… và cầu trúc đề tương tự như đề minh họa của Bộ công bố nên các câu hỏi không lạ, các em sẽ không có gì bất ngờ với dạng cấu trúc đề này. Tuy nhiên, độ khó tăng dần nên nhiều em chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian để giải quyết các câu hỏi ở phần sau.
Phần lý thuyết có khoảng 5-6 câu hỏi cần suy luận, các em hiểu kỹ hiện tượng vật lý mới có thể chọn đúng.
Với đề thi này, các em nắm chắc kiến thức, ôn tập tốt sẽ đạt điểm 6-6, 5 điểm. Còn để đạt điểm xuất sắc thì phải là những HS xuất sắc, giỏi thực sự. Điểm 10 là không hề dễ. Thảo Nguyên (ghi)
Phấn khởi sau khi làm được bài thi |
Đề thi môn Vật lý có tính phân hóa cao
Đó là nhận xét của cô Nguyễn Thị Minh Hương – giáo viên môn Vật lí Trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ) về đề thi môn Vật lý trong tổ hợp KHTN sáng nay.
Theo cô Minh Hương, đề thi bám sát với đề tham khảo của Bộ GD&ĐT và có mức độ phân hóa cao. Để đạt 5 - 6 điểm, yêu cầu học sinh nắm được kiến thức cơ bản của lớp 11 và 12.
So với năm 2017, đề thi năm 2018 có độ khó cao hơn; học sinh rất khó để đạt từ 8 điểm trở lên. Trong đề, có những câu hỏi gắn với thực tế với lượng vừa phải.H.N (ghi)
Đề thi đáp ứng yêu cầu "hai trong một"
Cô Bùi Thị Quỳnh Anh – giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội): Đề thi môn Vật lý kỳ thi THPT quốc gia đáp ứng được yêu cầu vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa lấy kết quả tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.
Kiến thức phù hợp chương trình THPT, tập trung vào lớp 11 (20%) ở mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng; lớp 12 (80%) có đầy đủ cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Các câu hỏi trong đề thi hầu như được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó. Có câu phải dùng kiến thức thực nghiệm phù hợp với đặc thù bộ môn. Câu phân loại khó tập trung chương dao động cơ, sóng cơ, điện xoay chiều của lớp 12. Tuy nhiên, số lượng câu yêu cầu tính toán trong đề khá nhiều.
So với đề năm ngoái mức độ không khó hơn, nhưng kiến thức rộng hơn.
Học sinh trình độ đại trà có thể đạt 5 đến 5,5 điểm với đề thi này. Để đạt điểm khá giỏi, học sinh phải có kiến thức chắc chắn, hiểu rõ về bản chất vật lý. Với điểm 9, 10, bên cạnh yêu cầu trên, học sinh cần có tư duy nhạy bén, tư duy toán tốt.
Do đề có tính phân loại cao, phổ điểm dự kiến tập trung ở mức 6 – 6,5 điểm. Hiếu Nguyễn (ghi)