(GD&TĐ) - Mấy năm gần đây Bộ GD&ĐT đã có những cải tiến cách ra đề thi môn Văn tốt nghiệp THPT ở dạng mở - phần nghị luận xã hội (3 điểm) đã được các thầy cô giáo, học sinh và xã hội đồng tình, hoan nghênh.
Đó cũng là xu hướng đổi mới góp phần tích cực trong việc dạy và học văn hiện nay nhằm đào tạo những con người gắn bó với xã hội với cộng đồng để có cách nghĩ, cách sống và hành động cao đẹp đậm tính nhân văn. Đề thường hướng vào các vấn đề về xã hội diễn ra quanh ta như: bảo vệ môi trường, đọc sách, gia đình, tình bạn, tình yêu, lẽ sống, lý tưởng hay lời gay ý đẹp của lãnh tụ, danh nhân…
Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc mở rộng tầm mắt và suy nghĩ cho học sinh qua việc dạy và học văn là rất cần thiết. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên việc dạy và học văn cũng như đề thi môn Văn ở các kỳ thi Tốt nghiệp THPT hay thi Đại học Cao đẳng cũng còn còn nhiều điều đáng bàn…
Đề thi Văn tốt nghiệp THPT năm nay nói chung rất hay. Là một giáo viên dạy Văn đã nghỉ hưu, tôi xin có đôi điều bàn thêm:
- Câu 1 và câu 3 đã bám sát chương trình Chuẩn hoặc chương trình Nâng cao, đánh giá được năng lực học văn của học sinh.
- Riêng câu 2 (3 điểm): “Bày tỏ suy nghĩ của anh/ chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam” là một đề nghị luận xã hội “dạng mở nhưng có định hướng”, Bộ GD&ĐT đã cập nhật kịp thời tình hình thời sự trong nước để ra đề, phù hợp với lứa tuổi học sinh THPT.
Nói là đề có tính “định hướng và định lượng” rõ ràng. “Định hướng” vì dưới câu hỏi đề có in kèm đoạn tin trên báo Thanh niên online ngày 6/5/2013 (có em không đọc báo, không xem ti vi về tin này vẫn có thể làm bài được). Còn “định lượng” là chỉ viết khoảng 400 chữ, hạn chế việc học sinh viết dài dòng, lan man.
Đây là một đề có tính giáo dục tư tưởng tốt, hướng các em không những học tập gương “người tốt việc tốt” của Nam mà còn cần phải có hành động, nghĩa cử cao đẹp đối với con người, sẵn sàng “mình vì mọi người”. Với dạng đề “mở” này các em có thể bày tỏ nhiều suy nghĩ ở những mức độ khác nhau.
Song, tôi chỉ băn khoăn đôi chút về đáp án của Bộ GD&ĐT trong hướng dẫn chấm thi. Ở phần bình luận và liên hệ bản thân nên có phần “mở” hơn. Đáp án chỉ hướng tới việc ca ngợi và học tập một hành động, nghĩa cử cao đẹp của em Nam, giàu ý nghĩa tích cực trong bối cảnh cuộc sống hiện tại. Từ đó phản đối lối sống ích kỷ, vô cảm… theo một chiều. Nhưng thật ra cuộc sống rất đa chiều mà học sinh thường tiếp cận.
Sau khi thi xong đã có nhiều ý kiến của giáo viên, học sinh bàn thêm về câu 2 này, có ý kiến đã đưa lên mạng, lên báo (khen nhiều và chê ít). Trước hành động cứu người của Nam và dẫn đến cái chết của em, đáp án cần “mở” hơn.
Chúng ta thường vẫn dạy học sinh trược một vấn đề diễn ra trong cuộc sống, khi bình luận thường có 3 luồng ý kiến: một là đúng hoàn toàn, hai là vừa đúng vừa sai, ba là sai hoàn toàn. Ở câu 2 này cũng có 3 luồng ý kiến:
1. Ca ngợi lòng dũng cảm của em Nam (đa số)
2. Vừa ca ngợi vừa phê phán về hành động đó (số ít) với lý do: Nếu Nam đã thấy đuối sức quá rồi thì nên nghỉ mà hô hào xem có ai gần đó tới cứu giúp. Hoặc đành chấp nhận cứu được 3 em thôi. Cứu được em thứ 4 thì mình đuối sức, bị chết, để lại nỗi đau buồn cho gia đình, bạn bè, thầy cô… Đó là một sự trả giá đắt.
3. Phê phán hành động của Nam dại dột, không lượng sức mình để dẫn đến cái chết (số này rất ít). Với lý do: Nếu cứ học tập Nam mà mình bơi kém, hoặc không biết bơi, cứ lao xuống sông cứu bạn để rồi không cứu được mà dẫn đến cái chết thì rất không nên.
Cũng như có em không biết võ thuật, không có vũ khí mà thấy bọn côn đồ, trộm cướp “cứ ra sức anh hào” đuổi bắt để rồi bị chúng chém hoặc đánh chết thì có nên không?
Vì vậy, theo tôi Phần lưu ý ở đáp án cần “mở” hơn. Dĩ nhiên là không cho điểm những bài có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực. Nhưng tất cả những ý kiến đôi khi trái chiều, “phản biện” ấy ta cũng nên cân nhắc xem xét.
Lê Xuân
(Nguyên giáo viên Văn trường TPPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ)