PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) chia sẻ điều này tại Hội nghị trực tuyến với các cơ sở giáo dục đại học về Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020.
Thầy – trò yên tâm dạy và học
“Qua đề thi tham khảo chúng ta thấy, nội dung đề thi nằm trong chương trình phổ thông, chủ yếu lớp 12. Những nội dung đã tinh giản, không dạy, không học thì không đưa vào đề thi tham khảo. Tới đây, đề thi chính thức cũng sẽ ra theo hướng như thế” - PGS.TS Mai Văn Trinh.
PGS.TS Mai Văn Trinh cho biết: Việc Bộ GD&ĐT tham mưu và Thủ tướng Chính phủ đồng ý với phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT là một giải pháp tốt nhất, phù hợp nhất trong điều kiện ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Kỳ thi kế thừa trọn vẹn những gì tốt nhất mà chúng ta đã nỗ lực làm trong 5 năm vừa qua, nhất là giai đoạn 2017-2019 trong việc chấm thi và công tác tuyển sinh.
Điều này thể hiện rất rõ là, Kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây, về cơ bản không thay đổi nhiều so với năm 2019. Thay đổi chỉ là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh.
Phương án thi tốt nghiệp THPT cũng phù hợp với Luật Giáo dục 2019 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Mặt khác, phù hợp với điều kiện dạy học trong các nhà trường do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, năm nay, chúng ta cũng điều chỉnh lại mục đích của kỳ thi. Chúng ta có thể xem nó như một kỳ thi đánh giá trên diện rộng, để xác định mức độ đáp ứng của chuẩn kiến thức, kỹ năng đang được quy định của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Kết quả đó được sử dụng vào nhiều mục tiêu. Thứ nhất là, xét tốt nghiệp THPT. Thứ hai là, phục vụ công tác quản lý Nhà nước, để điều chỉnh quá trình dạy học trong các nhà trường. Thứ ba là, chúng ta sử dụng cho các mục tiêu khác như hành trang để các em bước vào cuộc sống, hoặc có thể tiếp tục học lên bậc cao hơn...
PGS.TS Mai Văn Trinh cho biết: Các bộ phận chuyên môn đã rất nỗ lực, cố gắng để chúng ta công bố đề thi tham khảo - Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nội dung đề thi chính thức tới đây sẽ bám sát với đề thi tham khảo đã được công bố. Các trường THPT, giáo viên yên tâm với định hướng này để tổ chức ôn tập cho học sinh.
Các trường ĐH cần chủ động và dự lệnh tình huống
Theo PGS.TS Mai Văn Trinh, bất kỳ đề thi nào cũng có độ phân hóa. Mấu chốt của vấn đề là, kỳ thi được tổ chức nghiêm túc. Đây là chìa khóa quan trọng để chúng ta nỗ lực phấn đấu. Vì thế, các trường đại học cần xác định, đây là công việc chung, đóng góp cho hệ thống nên cần tham gia với Bộ GD&ĐT.
Cũng theo PGS.TS Mai Văn Trinh, số lượng người tham gia tổ chức kỳ thi có thể giảm đi, nhưng không có nghĩa vai trò của các trường đại học giảm. Một đồng chí tham gia tổ chức kỳ thi nhưng sẽ gánh trách nhiệm cho cả những người còn lại, trách nhiệm, vai trò tăng lên.
“Phải xác định như vậy thì chúng ta mới đóng góp thiết thực cho việc tổ chức tốt kỳ thi. Chúng ta làm việc đó, thứ nhất chúng ta có quyền lợi. Thứ hai, chúng ta đóng góp cho xã hội cực kỳ lớn. Nếu làm tốt thì có thể tiếp tục duy trì mô hình này cho những năm tiếp theo” - PGS.TS Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Để kỳ thi giảm nguy cơ tiêu cực, PGS.TS Mai Văn Trinh cho rằng, quá trình sàng lọc trong quá trình đào tạo của các trường đại học là rất quan trọng. Nếu các trường sàng lọc tốt thì các em không có năng lực sẽ không dại gì vào trường. Đây là vấn đề mang tính chất căn cơ, cốt lõi, gắn liền với việc tự chủ đại học.
Rõ ràng công tác tuyển sinh phải đi theo tinh thần tự chủ, nên các trường đại học phải chuẩn bị tinh thần là: Bộ GD&ĐT sẽ cung cấp một kỳ thi để đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra của chương trình.
“Việc các trường đại học sử dụng vào mục đích tuyển sinh như thế nào, phải trên tinh thần chủ động. Tình huống đặt ra là, khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp cho học sinh là chính, thì công tác tuyển sinh sẽ phải thay đổi như thế nào? Đây là dự lệnh để chúng ta có sự tính toán, nhằm đổi mới trong công tác tuyển sinh” - PGS.TS Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Mai Văn Trinh, chúng ta có những tinh giản, vừa đòi hỏi các nhà trường triển khai dạy học để đạt được những mục tiêu căn bản mà chương trình giáo dục phổ thông đặt ra, vừa hỗ trợ tốt các mục tiêu khác, trong đó có mục tiêu tuyển sinh.